Cách chọn mua mướp đắng không nhiễm độc

06:40, 16/07/2013
|

(VnMedia) - Mướp đắng là loại quả có vị đắng đặc trưng và được chế biến thành nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng gần đây cho biết, mướp đắng là một trong những loại rau có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều nhất.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vừa qua cục đã lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra cho thấy, mướp đắng có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép. Vì vậy, tất cả các hóa chất điều hòa sinh trưởng hiện nay mà người dân đang sử dụng đều là thuốc ngoài luồng, phần lớn được nhập từ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc. Việc thương lái thu mua cả vườn, gồm cả quả chín và non rồi dùng hóa chất bảo quản để thúc chín đồng loạt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm vì không biết họ sử dụng hóa chất gì, liều lượng ra sao.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để chọn mướp đắng ngon, an toàn, bạn đừng vội chọn những quả mướp đắng màu xanh mướt, đậm, thân phình to, dan láng bóng vì có thể chúng đã được bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng, gây nhiễm độc khi ăn. Nên chọn những quả mướp đắng có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ đảm bảo cho sức khỏe của bạn và gia đình.



Ảnh minh họa

Mướp đắng không lành như bạn nghĩ.

Không phải ai cũng ăn được mướp đắng

Theo các nhà khoa học, q uả mướp đắng có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí; gấp 5 – 20 lần dưa chuột, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim. Chất glycoside của mướp đắng có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường. Protein của mướp đắng có thể xúc tiến hệ thống miễn dịch của cơ thể kháng tế bào ung thư. Thường xuyên ăn mướp đắng có thể tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể, ức chế HIV.

Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc. Thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hơn nữa còn có tác dụng giảm đường trong máu, chống sưng phù, điều trị độc tố, thúc đẩy khả năng miễn dịch, hạt bổ thận tráng dương. Trị chứng rôm sảy dùng mướp đắng thái miếng xoa lên da. Nấu nước uống có thể tán nhiệt giải thử. Mướp đắng thái ra phơi khô là vị thuốc trị liệu phát sốt có hiệu quả. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư; hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ.

Mướp đắng là loại quả có vị đắng đặc trưng và được chế biến thành nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng như canh mướp đắng, mướp đắng xào, salad mướp đắng...

Tuy vậy, mướp đắng được coi là thực phẩm giải nhiệt mùa hè, nhưng không phải ai cũng ăn được, chẳng hạn nhưng phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được ăn mướp đắng, bởi nó có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai. Bên cạnh đó, mướp đắng cũng được coi là một loại quả kích thích tử cung và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Độc tính ở người lớn thấp, nhưng có vấn đề với trẻ em. Mặc dầu chưa nghe quả mướp đắng nguy hiểm cho bào thai tại Việt Nam, nhưng những nghiên cứu trên cho thấy, hạt mướp đắng có thể làm hư thai và quả mướp đắng có khả năng gây đột biến gen. Do đó không nên dùng cho phụ nữ có thai...

Khi dùng mướp đắng (ở mọi dạng chế biến), không được dùng huyền sâm hoặc các chế phẩm có huyền sâm. Mướp đắng tính mát, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn (rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh).


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc