(VnMedia) - Chuyện chuyển giới đã ít nhiều cởi mở hơn trong những năm gần đây ở nước ta. Từ những chàng trai với vẻ ngoài bảnh bao, họ quyết định chuyển giới thành phụ nữ với khát vọng “được là chính mình”. Hiện tại, người chuyển giới là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam và không phải ai cũng phân biệt rõ. Đây là nhóm người chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử; bị bạo lực bằng ánh mắt, lời nói và cả hành động từ cộng đồng người dị tính và cả những người đồng tính.
“Tại sao phải chuyển giới?
Một người chuyển giới chia sẻ tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình” diễn ra ở Hà Nội vào ngày 29 tháng 8 vừa qua rằng: “Em muốn được phẫu thuật để sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác một người phụ nữ.” Hội thảo “Khát vọng được là chính mình” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức, đề cập đến một nhóm người thiểu số hiện nay trong xã hội - những người chuyển giới.
Anh Lương Thế Huy (cán bộ ICS) cho biết: “Người chuyển giới (transgender) là những người có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học đang có. Ví dụ, một người có cơ thể sinh ra với sinh học là nam/nữ nhưng họ nghĩ/biết mình là nữ/nam.”
Về mặt sinh học, sự khác biệt giữa giới tính nam hay nữ dựa vào bốn yếu tố: cặp nhiễm sắc thể giới tính XX (nữ) hay XY (nam), tuyến sinh dục là buồng trứng (nữ) hay tinh hoàn (nam), nội tiết tố sinh dục nữ (estrogene và progesterone) hay nam (testosterone) và cơ quan sinh dục là dương vật hay tử cung - âm đạo. Tuy nhiên, các yếu tố trên vẫn chưa đủ mà chính bộ não mới là yếu tố quyết định để một người nhận dạng bản thân mình là nữ hay nam.
Do đó, người chuyển giới khác người đồng tính, vì khi nói về người chuyển giới là nói về bản dạng giới của người đó (tức cảm nhận bên trong của mỗi người về việc họ là nam/nữ hay một giới nào khác); còn nói về người đồng tính, song tính là nói về xu hướng tính dục của họ (tức là sự hấp dẫn có tính bền vững về tình cảm, tình dục hướng tới người khác). Viện iSEE đã thực hiện một nghiên cứu từ tháng 6 đến tháng 7, qua khảo sát 34 người chuyển giới (14 người là nam sang nữ, 10 người là nữ sang nam và 10 trẻ em đường phố chuyển giới) đã cho thấy người đồng tính ở Việt Nam chưa có một sân chơi riêng. Họ chủ yếu tham gia vào các diễn đàn của người đồng tính, các nhóm biểu diễn. Đây là nhóm người thiểu số chịu kỳ thị lớn từ nhiều phía.
Thực trạng của người chuyển giới
Ở xã hội hiện nay, người chuyển giới vẫn còn là một hiện tượng lạ mà đa số chúng ta đều chưa chấp nhận và hài hòa cùng họ. Khi đi ngoài đường, bạn sẽ rất dễ nghe các lời dèm pha xung quanh những bước chân của người chuyển giới. Họ không được tôn trọng và sẽ là chủ đề rất hot cho những bữa “tám chuyện” của mọi người. Ánh nhìn xã hội với những người này vẫn còn đang ở mức rất khắc nghiệt.
Mà không chỉ ngoài xã hội, ngay cả trong chính gia đình của họ cũng có những tình cảnh rất éo le. Cả các bậc sinh thành mang nặng đẻ đau cũng không dám nhận con mình chỉ vì đó là một người mang ý định chuyển giới. Chính từ những điều đó đã dẫn đến cảnh, nhiều người chuyển giới phải ở bên rìa xã hội, phải đi hát đám ma, thậm chí bán dâm để kiếm sống.
Một người chuyển giới từ nữ sang nam ở TP.HCM đã kể lại câu chuyện nhói lòng của mình: “Khi công khai giới tính của mình, em nói với bố: “Cái đầu của con là con trai nhưng thân con là con gái. Con muốn chỉnh thân hình cho phù hợp với suy nghĩ, tư tưởng của mình”. Nghe xong bố bảo:“Rồi, mai đi gặp bác sĩ tâm lý để chỉnh cái đầu mày”. Em buồn vì cái đầu là nơi lưu giữ tất cả kỷ niệm về gia đình, bạn bè; là cái làm nên con người mình chứ không phải cái thân, thế mà bố lại muốn chỉnh, như vậy bố đã sẵn sàng để mất đứa con của mình.”
Có những người dũng cảm chuyển giới để bật lại định kiến của xã hội (Ảnh minh họa)
Thậm chí, có người mẹ ra đường còn không dám nhận con chỉ vì “con mình không giống con người ta”: “Ra đường, em gặp mẹ mà mẹ em không dám nhận, giống như cha mẹ em đã bỏ em rồi. Lúc đó em rất buồn bã và cũng đã có ý định tự tử…”, một người chuyển giới từ nam sang nữ kể lại.
Những kỳ thị kiểu này còn đầy rẫy ở không gian trường học, cộng đồng. Người chuyển giới từ nam sang nữ cho biết thường xuyên bị gọi bằng các ngôn ngữ mang tính kỳ thị như pê đê, bóng chúa. “Lắm lúc nghĩ cũng tủi lắm mà phải sống. Ra đường người ta la làng lên: pê đê, pê đê kìa. Tức nhất là khi người ta kêu mình bằng “bóng chó”. Mang trong mình dòng máu không ai muốn như vậy là mình đã mặc cảm với người đời lắm rồi, thế mà… Tại sao họ lại nói như vậy?”, một người chuyển giới chua xót.
Nghệ sĩ chuyển giới “bật lại” định kiến xã hội
Từng là nam ca sĩ một thời đình đám với các sân khấu ca nhạc miền Tây, ít nhiều có danh tiếng với các show diễn lớn trong những năm 2000, nhưng đùng một cái, Lâm Chí Khanh đã quyết định chuyển giới thành nữ (Khanh Chi Lâm) và trở lại có phần nổi bật hơn xưa. Kể từ ngày bị phát hiện chuyển giới, mỗi lần Lâm Chí Khanh xuất hiện là mỗi lần khán giả tò mò, ngạc nhiên khi được ngắm nhìn những hình ảnh nữ tính của “người đẹp”. Tuy nhiên, có vẻ như sự nữ tính ấy đã bị đẩy quá đà khi Lâm Chí Khanh tham lam chưng diện, tô son trát phấn quá đậm.
Bên cạnh chuyện Lâm Chí Khanh chuyển giới luôn “làm nóng” các phương tiện truyền thông đại chúng cuối năm qua, chúng ta còn có thể kể đến một cái tên cũng rất hot là Hương Giang - thí sinh của Vietnam Idol 2012. Điểm lại hành trình vừa qua của Hương Giang, phần đông khán giả đều có chung cảm nhận giọng ca của cô không mấy xuất sắc. Trong đêm Gala đầu tiên, Hương Giang thể hiện chưa tốt ca khúc “Đừng ngoảnh lại”. Tuy nhiên, Hương Giang vẫn là thí sinh được khán giả ưu ái, chiếm áp đảo số bình chọn trong 4 gương mặt được yêu thích nhất khi công bố kết quả bình chọn của khán giả đầu tiên ở Top 10 trước đó. Chính ước vọng được trở thành con gái của mình đã đưa cô lại gần khán giả hơn và cảm hóa được nhiều ánh nhìn thị phi từ xã hội.
ương tự như Lâm Chí Khanh, Hương Giang cũng chưa tiến hành làm thủ tục chuyển đổi giới tính, thế nên thật đáng tiếc, bởi cô vẫn chỉ là người đàn ông mang thân xác đàn bà! Tên thật là Nguyễn Ngọc Hiếu, Hương Giang đã phải trải qua hai năm với nhiều cuộc đại phẫu mới có được thân hình và gương mặt như hiện tại. Cô chia sẻ, đó là hai năm dài nhất trong cuộc đời bởi cô trưởng thành cả về cái nhìn cuộc sống lẫn giọng hát - định hướng của Hương Giang trong thời gian tới: “Sau 2 năm với rất nhiều biến cố và thay đổi lớn trong cuộc sống cũng như việc trau dồi thêm về giọng hát thì năm nay tôi trở lại cuộc thi Vietnam Idol với một tinh thần tốt hơn, tự tin hơn để thể hiện khả năng ca hát và tình yêu âm nhạc của bản thân tôi.”
Điểm lại các tên như Cindy Thái Tài, Di Yến Quỳnh, Khanh Chi Lâm cùng Hương Giang - những người mỗi ngày vẫn miệt mài đóng góp thêm hương sắc cho showbiz Việt, họ vẫn đang cố xóa đi hình ảnh của “bê đê, bóng lộ, chuyển giới đi hát đám ma,…” trong tâm trí của xã hội. Đã đến lúc chúng ta cùng nhìn lại số phận của những con người đang phải chịu đau để sống với thể xác của họ cùng những loại thuốc. Chúng ta hãy nên mở thoáng tư tưởng nhiều hơn để mọi người cùng nhau có cuộc sống hài hòa hơn.
Ý kiến bạn đọc