Bí quyết tăng thắt chặt tình cảm trong gia đình

21:18, 18/06/2013
|

Thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình rất quan trọng cho dù con bạn còn nhỏ hay đã lớn. Dưới đây là những cách giúp bạn tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình bạn.
 

1. Để lại lời nhắn

Hãy mang lại nụ cười cho các thành viên trong gia đình bằng việc nhắc nhở rằng bạn quan tâm đến họ nhiều như thế nào. Viết những lời nhắn dễ thương và đầy tình cảm rồi dán lên cặp sách, ngăn kéo hay hộp cơm trưa của bọn trẻ. Nếu con bạn học xa nhà, hãy thường xuyên gửi email cho chúng để chúng luôn cảm thấy bạn luôn gần bên cạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

 

2. Cùng nấu nướng

Dạy trẻ nấu nướng và khuyến khích chúng vào bếp với bạn cũng là một cách tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cho gia đình. Hãy truyền lại cho con công thức nấu những món ăn “truyền thống” của gia đình hoặc thử một công thức mới. Hãy bắt đầu từ từ và luôn nhớ để mắt tới chúng khi ở trong bếp.
 
3. Ăn tối cùng nhau
 
Bữa tối gia đình luôn là một việc bạn nên duy trì. Đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình có thể kể về một ngày của mình và lắng nghe lẫn nhau. Vào dịp cuối tuần, bạn có thể mời những người thân khác trong gia đình như ông bà, cô dì, chú bác… đến cùng chung vui và thắt chặt hơn tình cảm gia đình.

4. Tạo nên truyền thống cho gia đình
 
Không chỉ các dịp lễ tết, hãy tạo ra một truyền thống cho gia đình như vào cuối tuần, cả gia đình sẽ đi chơi hay xem phim. Thói quen đẹp này sẽ tạo nên không khí đầm ấm cho gia đình và những kỉ niệm đẹp.
 
5. Luôn hỗ trợ lẫn nhau

Nếu một thành viên trong gia đình bạn có năng khiếu hay sở thích đặc biệt, hãy dành thời gian cho điều đó. Chẳng hạn, hãy tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ của con gái, thi đấu thể thao của con trai. Hãy chứng tỏ cho các con thấy bạn luôn quan tâm và ủng hộ chúng. Bọn trẻ sẽ rất trân trọng điều đó và đây cũng là cơ hội để gia đình có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau.
 
6. Tôn trọng ý kiến

Hãy luôn lắng nghe ý kiến của bọn trẻ khi chúng lên tiếng về những vấn đề chung của gia đình. Điều này khiến chúng cảm thấy ý kiến và tiếng nói của mình được tôn trọng. Do đó, chúng sẽ vui vẻ và hào hứng hơn với những hoạt động của gia đình.


(theo ANTĐ)

Ý kiến bạn đọc