(VnMedia) - PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh hay gặp. Đây là một bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại chính bản thân mình và có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không chỉ biểu hiện ngoài da mà còn biểu hiện ở tất cả các cơ quan nội tạng khác.
Đối tượng dễ mắc bệnh lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ là bệnh hay gặp chủ yếu ở nữ giới. Theo thống kê của Thế giới cũng như theo nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh này phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 20 đến 40 (Lứa tuổi khỏe mạnh nhất, cơ quan miễn dịch phát triển tốt nhất).
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh chủ yếu là ở nữ, khi sinh đẻ bệnh sẽ nặng hơn và nhiều hơn. Trong quá trình bị bệnh có sự rối loạn của nội tiết, estrogen tăng cao.
Ảnh minh họa. |
Các loại lupus ban đỏ hệ thống:
- Lupus ban đỏ dạng đĩa: Đây là thể nhẹ của lupus ban đỏ. Bệnh chỉ có thương tổn ở da, không có thương tổn nội tạng.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh gây thương tổn da và nhiều cơ quan nội tạng như: da, niêm mạc, gan, thận, khớp, tim, phổi, thần kinh…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh tự miễn, tự sinh ra kháng thể chống lại chính bản thân mình và tồn tại suốt đời, bệnh tiến triển ngày càng nặng, đợt sau nặng hơn đợt trước và biểu hiện ở tất cả các cơ quan.
Đầu tiên bệnh biểu hiện ở ngoài da, 70-80% bệnh biểu hiện ở ngoài da và sau đó gây tổn thương về tim mạch, tổn thương về thận, khớp, thần kinh, tế bào máu và các cơ quan khác, nơi nào có mạch máu, nơi nào có phi mạch máu thì nơi đó có tổn thương của lupus ban đỏ hệ thống.
Nguyên nhân gây bệnh: 2 nhóm
Nhóm 1: Do di truyền, những người thành viên trong gia đình bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì những người thế hệ sau, đặc biệt là những người thế hệ thứ nhất dễ bị mắc hơn.
Nhóm 2: Do các yếu tố mắc phải của môi trường. Những yếu tố này không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn có thể kích hoạt quá trình hình thành bệnh. Bao gồm: các loại thuốc (như một số thuốc chống trầm cảm và kháng sinh), trầm cảm nặng, phơi nắng, hoóc môn, và viêm nhiễm. Tia UV kích hoạt việc hình thành các vùng phát ban lupus và một số bằng chứng cho thấy tia UV cũng có thể thay đổi cấu trúc ADN, dẫn đến việc hình thành các kháng thể tự miễn. Hoóc môn sinh dục (như estrogen) có vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh.
- Ban hình cánh bướm ở mặt, hai má và sống mũi.
- Sạm da và nhạy cảm với ánh sáng (phản ứng bất thường khi ra nắng).
- Sốt kéo dài
- Rụng tóc nhanh chóng ở một số vùng da đầu.
- Loét miệng hoặc mũi, họng.
- Viêm khớp dạng không thoái hóa ở một hay nhiều khớp ngoại vi. Bệnh nhân có thể cảm thấy một trong các triệu chứng: đau khi vận động, buốt, sưng tổ chức mềm quanh khớp. (Các khớp ngoại vi: khớp bàn chân, bàn tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, đầu gối, khuỷu tay, vai, khớp háng, khớp thái dương – hàm dưới).
- Viêm màng phổi, viêm màng tim.
- Rối lọan thần kinh hoặc lọan tâm thần.
- Rối loạn miễn dịch
- Bệnh huyết học: thiếu máu do tan huyết, giảm bạch cầu, giảm lympho hoặc giảm tiểu cầu.
- Tổn thương lupus ban đỏ dạng đĩa: dát đỏ có vảy sừng dính và nút sừng ở nang lông, sẹo teo, có thể gặp ở bất kì vị trí nào trên cơ thể.
Nếu xuất hiện 4 trên 11 dấu hiệu trên thì bệnh nhân có thể nghĩ ngay đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống và cần được khám và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa và điều trị
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo, hiện nay chưa có loại thuốc nào điều trị hữu hiệu, đặc hiệu để chữa khỏi bệnh này. Chữa bệnh chủ yếu để giảm đi các đợt cấp, giảm đi các tác dụng có hại của thuốc và duy trì cuộc sống tốt hơn cho người bệnh trong điều kiện bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, lao động, sản xuất, cuộc sống bình thường của họ.
Trong giai đọan nặng của bệnh cấp, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhưng cũng phải có một chế vận động hợp lý để tránh bị teo cơ, cứng khớp. Nên động viên bệnh nhân để giữ tinh thần lạc quan, thoải mái. Tránh ra nắng, dùng kem chống nắng, áo khoác, mũ rộng vành khi đi ra ngoài. Bệnh nhân nên tránh có thai và cũng không nên uống thuốc tránh thai trong khoảng 1 đến 2 năm đầu kể từ khi bệnh được chẩn đoán.
Các bệnh nhân đã có tổn thương thần kinh trung ương, thận và các bệnh nhân nặng thường được điều trị bằng corticosteroid. Đây là một loại thuốc giảm đau chống viêm mạnh nên có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn như viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, ức chế tuyến thượng thận… Các thuốc chống sốt rét như hydroxychlloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc dùng khi điều trị lupus ban đỏ hệ thống đều có tác dụng phụ, do đó không được sử dụng tùy tiện mà phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Các bệnh nhân mắc bệnh cần giữ một lối sống lành mạnh, năng vận động, tránh stress, tránh tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì có thể làm đợt bệnh khởi phát hoặc làm trầm trọng đợt bệnh. Không nên dừng thuốc đọt ngột, nhất là khi đang dùng corticosteroid, vì có thể dẫn đến các đợt cấp của bệnh.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần phải đi khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến bạn đọc