(VnMedia) - Ngủ là phản ứng tự nhiên của con người để lấy lại thăng bằng cho cơ thể. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, là một trong những yếu tố giúp cho con người hoạt động một cách hiệu quả trong cuộc sống.
Các chuyên gia cho rằng, ngủ là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Đồng thời, khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong khoảng thời gian này càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.
Mất ngủ về đêm và hay buồn ngủ ban ngày có thể là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, hoạt động chậm chạp dù bạn đã đi ngủ từ rất sớm vào đêm hôm trước. Dưới đây là một số biểu hiện của rối loạn giấc ngủ:
Khó ngủ
Những người khó ngủ thì việc đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ rất khó khăn, thời gian ngủ ít và không sâu. Nguyên nhân là do căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.
Tuy nhiên, nếu chỉ khó ngủ hoặc mất ngủ thoảng qua một vài hôm thì không thể coi là rối loạn giấc ngủ, chỉ khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng thì mới được gọi là bị rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến cho người bệnh lo lắng, thậm chí trầm cảm và hậu quả là mất ngủ nhiều hơn.
Ngủ nhiều
Một số người ngủ gật nhiều ban ngày hoặc kéo dài thời gian ngủ ban đêm, ngủ nhiều được chia làm ba loại chính là ngủ nhiều nguyên phát, ngủ rũ và hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Ngủ nhiều là bệnh lý thần kinh mạn tính, bệnh nhân đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được trong khi đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động... Đối với những người này, ban đêm bệnh nhân ngủ nhiều, nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Tình trạng ngủ nhiều tồn tại ít nhất từ một tháng trở lên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp khoảng 20-40 giây trong khi ngủ, nguyên nhân là tắc nghẽn đường lưu thông khí hoặc tổn thương ở não. Hội chứng ngừng thở gây giảm bão hòa oxy và tăng nồng độ carbonic trong máu, làm bệnh nhân có nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.
Rối loạn ngủ và thức
Rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ của người bệnh và của người thường. Những bệnh nhân này thường có thời điểm tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn tâm thần và quên. Nguyên nhân gây bệnh thường là yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể là bệnh thực thể hoặc di truyền.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. |
Thiếu ngủ gây hại cho sức khỏe
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy rằng những người thường xuyên ngủ bị mất ngủ có nguy cơ bị cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, trầm cảm, nghiện rượu, và dễ gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mất ngủ trực tiếp ảnh hưởng đến của não bộ, gây mất tập trung.
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Nhiều người nghĩ rằng, mỗi người phải ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu ngủ mỗi ngày của mỗi người khác nhau và tùy từng thời điểm, lứa tuổi khác nhau. Trẻ sơ sinh ngủ từ 14 – 12 tiếng, rồi xuống 10 tiếng, sau đó giảm xuống dần. Trong khi đó người cao niên từ 60 tuổi trở lên thường ngủ ít hơn do sự thay đổi về sinh lý.
Đối với người bình thường, có những người chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày nhưng cũng có người ngủ hơn 10 tiếng. Như vậy bạn có thể ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày, miễn sao cơ thể không thấy mỏi mệt, buồn ngủ trong ngày hôm sau.
Những người ngủ quá nhiều có thể là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như trầm cảm hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Do vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia, hãy xác định chu kỳ và thời gian ngủ thích hợp với riêng mình là chìa khóa để ngủ ngon
Làm thế nào để có giấc ngủ tốt
Các bác sĩ cần phải xem xét cả về số lượng và chất lượng giấc ngủ để kết luận về giấc ngủ của một người. Nếu bạn thường tỉnh táo và khỏe mạnh sau khi thức thức dậy thì chứng tỏ bạn là một người ngủ có giấc ngủ tốt. Nếu bạn thường xuyên buồn ngủ, khó chịu và không tập trung sau khi tỉnh giấc thì có thể bạn bị rối loạn giấc ngủ.
Khi bị rối loạn giấc ngủ, bạn không nên vội vã đến tiệm thuốc tây mua một loại thuốc để ngủ tốt hơn, bạn hãy thử một trong những biện pháp khắc phục giấc ngủ tự nhiên. Nếu tình trạng không được cải thiện, bạn nên đi khám và tư vấn bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Để có giấc ngủ tốt, bạn nêên ăn uống điều độ và không nên kiêng khem quá mức và không nên quá lạm dụng trong ăn, uống. Một số nước giải khát có cồn cũng làm ảnh hưởng rất lớn đều giấc ngủ, vì vậy không nên uống cà phê, trà đặc vào buổi tối hoặc không nên uống quá nhiều rượu, bia trước khi đi ngủ. Đồng thời, bạn nên có thói quen tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ và nên tập thể dục hàng ngày một cách đều đặn. Đảm bảo phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tiếng ồn.
Ý kiến bạn đọc