Làm gì khi bị quấy rối tình dục?

10:32, 24/05/2013
|

Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/5, với 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục. Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ - Tổng đài 1088, luật chưa định nghĩa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là quấy rối tình dục.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Dưới đây là bài viết của chuyên gia Văn Thanh Sĩ, hướng dẫn cách phòng vệ khi bị quấy rối tình dục.

Quấy rối tình dục bao gồm những hành vi hay lời nói có bản chất tình dục không được tán thưởng và bị phản đối mà vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Sự chấp nhận hoặc từ chối những chuỗi hành vi hay lời nói này gây ảnh hưởng đến học tập, việc làm của một cá nhân, gây trở ngại một cách vô lý đến hiệu năng làm việc của một cá nhân, hoặc tạo ra một môi trường làm việc không thân thiện, đe dọa, xúc phạm.

Một số hành vi sau đây nếu diễn ra liên tục tại nơi làm việc, học đường mà không được hoan nghênh, có thể xem là ví dụ điển hình về những hình thức sách nhiễu tình dục:

- Dùng lời nói giễu cợt khiếm nhã có tính cách gợi dục.

- Bình phẩm về thân thể của đồng nghiệp hay một cá nhân.

- Trưng bày các đồ vật, hay treo những tranh ảnh, hình vẽ về tình dục.

- Liếc mắt hay có cử chỉ nham nhở, gợi dục.

- Gửi thư, email hay tin nhắn mang tính chất tình dục.

- Đụng chạm hay vuốt ve thân thể, quàng vai, cản đường di chuyển...

- Gợi ý, đề nghị hay đòi hỏi tình dục.

- Hăm dọa trả đũa khi không được đáp ứng.

Ở độ tuổi trung học phổ thông, trẻ đã bắt đầu bộc lộ rõ tâm lý giới tính, bắt đầu có cơ thể gợi cảm muốn thu hút sự chú ý của người khác giới nhưng các em lại rất thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản. Lúc bị quấy rối, lạm dùng tình dục thì không biết phòng vệ.

Trong một buổi nói chuyện với học sinh trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP HCM), hầu như các em chỉ nhận ra được những hành vi trực tiếp dẫn đến quấy rối, lạm dụng tình dục như động chạm, sờ mó vào ngực, bộ phận sinh dục... Còn những hành vi gián tiếp như cầm tay, nhắn tin, gọi điện gạ gẫm, phơi bày bộ phận sinh dục... thì các em không phân biệt được và chỉ cho đó là cách đùa vô văn hóa, kiếm cớ làm quen.

Học cách phòng vệ:

Ghi nhớ 1: Pháp luật và nhà trường luôn bảo vệ nạn nhân. Vì thế, người lớn khi muốn giúp đỡ, khuyến khích các em nói ra tình trạng bị xâm hại tình dục, cần hết sức tôn trọng và tế nhị. Về phần các em khi cảm thấy sợ hãi do có người muốn đụng chạm hay xâm hại tình dục (dù bất kỳ là ai), em cần:

- Đứng ngay dậy, nhìn thẳng vào kẻ định xâm hại tình dục.

- Lùi xa, giữ khoảng cách đủ để kẻ đó không với tay được đến người mình.

- Nói, hét to một cách thật kiên quyết cho kẻ đó biết nếu không dừng lại sẽ loan báo cho mọi người…

- Bỏ đi ngay, đem chuyện xảy ra kể cho những người mà các em tin cậy, nếu người đó chưa tin có thể đem kể tiếp cho người thứ 2, người thứ 3… cho đến khi được họ phải tin và giúp đỡ.

- Nếu bị cưỡng hiếp, hãy nói với người thân đưa đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Ghi nhớ 2: Hãy nhớ rằng các em không hề có lỗi khi bị xâm hại tình dục. Các em có quyền được bảo vệ, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ các em an toàn. Các phụ huynh phải nhớ:

1. Ghi nhớ các dấu hiệu:

Kẻ quấy rối tình dục thường khống chế, đe dọa nạn nhân. Các em rất sợ hắn. Vì vậy, người lớn chúng phải lắng nghe mọi bức xúc của các em. Bức xúc của các em có thể là:

- Dấu hiệu lạ xuất hiện ở các hành vi hàng ngày của các em.

- Dấu hiệu sa sút điểm số học tập của các em.

- Dấu hiệu nghe và nhắn tin điện thoại liên tục...

Khi có các dấu hiệu bất thường phát hiện được, phụ huynh phải kết hợp chặt chẽ với thầy cô giáo để tìm ra nguyên nhân và cùng đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho các em.

2. Khi xác định trẻ bị quấy rối tình dục:

- Đồng cảm với các em, lắng nghe, tâm sự và giúp các em tìm được bằng chứng để buộc tội kẻ xấu.

- Kết hợp chặt chẽ với nhà trường để hoàn tất việc khởi tố kẻ xấu.

Chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ


(theo VNE)

Ý kiến bạn đọc