(VnMedia) - Trong kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người Việt, rượu thuốc được sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Đến nay sử dụng rượu thuốc không chỉ là một thói quen mà còn là thú vui của nhiều người khi gặp mặt bạn bè, người thân. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai cũng có thể dùng rượu thuốc.
Thầy thuốc nhân dân, Lương y Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, theo Đông y, rượu có khí nóng, vị cay ngọt, có công năng dẫn thuốc lưu thông kinh mạch, trừ tà khí. Rượu thuốc được bào chế dựa theo nguyên tắc sử dụng rượu làm dung môi để ngâm tẩm những thảo dược hoặc động vật nhằm chiết xuất ra những hợp chất có trong đó để chữa bệnh. Rượu ngâm thuốc nhằm hai tác dụng để chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ.
Cũng theo Đông y rượu đi vào tam tiêu (thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu). Rượu đi vào tam tiêu tức là đi vào vùng huyết, đi vào phần chính của khí huyết, có tác dụng dẫn huyết. Khi huyết lưu thông thì bệnh tật được đuổi ra ngoài.
Cũng chính vì tác dụng này mà rượu thuốc được sử dụng để chữa một số bệnh phong hàn, các bệnh thuộc thể hư chứng mà khí huyết cần phải bổ dưỡng. Rượu thuốc còn để kích thích tiêu hóa, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, nâng cao sức khoẻ.
Tuy nhiên, theo Lương y Nguyễn Xuân Hướng, dù rượu thuốc có tác dụng và phổ biến như vậy nhưng dùng rượu thuốc cũng phải có nguyên tắc nhất định. Việc sử dụng rượu thuốc không hề đơn giản mà rất phức tạp. Nếu dùng không đúng cách rượu thuốc có thể gây ra những tác hại cho sức khoẻ người dùng, đặc biệt, với một số người mắc bệnh mãn tính.
Với người cao huyết áp và người bị bệnh gan, gan nóng là không được uống rượu dù dưới hình thức nào, kể cả rượu thuốc. Khi gan đã bị tổn thương thì không đào thải được rượu, càng tích tụ càng làm xơ gan. Khi uống rượu thuốc là đưa thuốc lên não, đồng thời dẫn cả huyết đi, việc đưa huyết lên não này làm huyết áp tăng cao, càng dễ vỡ mạch máu và xuất huyết não, dẫn đến tử vong.
Rượu thuốc có thể có công dụng bồi bổ, chữa bệnh nhưng làm không đúng bài bản, không đúng quy định của thầy thuốc chỉ mang đến tai hại cho người dùng. Vì vậy, để sử dụng rượu thuốc một cách hiệu quả và phát huy tác dụng chữa bệnh, tránh nghe theo mách bảo truyền miệng của người khác đã tuỳ ý sử dụng, trước khi dùng cần có sự tư vấn của thầy thuốc.
Ý kiến bạn đọc