Vì sao trẻ em không nên ăn nhiều trứng?

18:32, 29/04/2013
|

(VnMedia) - Trứng là món ăn bổ dưỡng nhưng dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu và đặc biệt là dễ gây dị ứng cho trẻ em. Do vậy, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn rằng, nên cho trẻ ăn trứng thế nào và ăn bao nhiêu là đủ?
 
Theo chuyên gia dinh dưỡng, Ths. Bs Lê Thị Hải, trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (tỉ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu biết cách chế biến đúng).

Ngoài ra trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như : sắt, viatmin A, kẽm…Vì vậy trứng là một thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn trứng thế nào là đúng thì không phải ai cũng biết.



Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.


Lượng trứng nên cho trẻ ăn

Trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hóa. Tùy theo tháng tuổi mà cho bé ăn trứng với số lượng khác nhau:

- Trẻ 6 - 7 tháng tuổi: chỉ nên ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, ăn 2-3 lần/tuần
- Trẻ 8-12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 - 4 bữa trong 1 tuần.
- Trẻ 1-2 tuổi: nên ăn 3-4 quả trứng/tuần. ăn cả lòng trắng.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày
 
Cách chế biến món ăn tùy theo tuổi
 
Trẻ 6 - 12 tháng: nên cho ăn bột trứng, cách nấu bột trứng: nấu chín bột mới cho trứng vào, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau, nồi bột sôi trên bếp đổ trứng và rau vào quấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được, không nên đun kỹ quá.
 
Trẻ 1 - 2 tuổi: có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
 
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm. 
 
Những điều cấm kỵ khi ăn trứng
 
- Không nên cho đường vào trứng viì cách làm này khiến protein trong trứng kết hợp với axit amoni trong đường glucozo tạo thành hợp chất khó hấp thu khiến trྻ bị ợ chua, khó tiêu và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

- Uống sữa đậu nành trước hoặc sau khi ăn trứng khiến trẻ bị đầy bụng và khó chịu vì trong sữa đậu nành có men protidaza kiềm chế các protein trong trứng.

- Không ăn trứng chưa chín kỹ vì đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này. Vitamin H là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và đường - bột, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Vì vậy, ăn trứng sống hoặc chín tái đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Lưu ý khi luộc trứng: Cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi dần. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng khoảng 5 phút. Như vậy, trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.

Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng, hoặc không chín lòng đỏ.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc