(VnMedia) - Lo lắng trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 có thể xảy ra ở nước ta, độc giả của VnMedia đã hỏi làm thế nào để có cách ăn uống, vệ sinh đảm bảo phòng chống cúm A/H7N9 và hiện đã có vắc xin phòng bệnh chưa?
Được biết, trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 có thể xảy ra ở nước ta, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo để phòng chống cúm A/H7N9 cho người dân như sau:
Người dân không nên sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc để phòng chống cúm A/H7N9. (Ảnh minh họa) |
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Hiện theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết (WHO), vẫn chưa có vắc xin phòng chống vi rút cúm gia cầm H7N9. Những ca tử vong ở Trung Quốc là những trường hợp đầu tiên tử vong do vi rút này được báo cáo trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đang tiến hành tìm kiếm nguồn lây bệnh ở Trung Quốc, cũng như thực hiện những xét nghiệm di truyền để tìm ra phương thức lây truyền và độc tính của vi rút trên.
Đến thời điểm này đã có 14 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá chủng cúm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian gần đây có độc lực cao, gây tử vong cao tương đương với vi rút cúm H5N1. Đến nay thuốc Tamiflu vẫn là thuốc nhạy cảm trong điều trị và dự phòng cúm.
Ý kiến bạn đọc