(VnMedia) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu phát triển. Điều nguy hiểm là một số bệnh nhân chỉ phát bệnh trong thời gian 24 giờ đã tử vong.
Vi khuẩn não mô cầu thuộc nhóm cầu khuẩn gram âm. Vi khuẩn cư trú ở vùng hầu họng. Trẻ em dễ mắc bệnh, nhất là về mùa lạnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới hai tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi ở người lớn khoảng 25%.
Các chuyên gia dịch tễ học khuyến cáo, không nên cho trẻ đi chơi nhiều ngoài trời lúc chiều tối trong mùa mưa lạnh, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập hệ tuần hoàn, gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết.
Viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý.
Để phòng tránh căn bệnh này, cách phòng chống chủ động là đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, vệ sinh sạch sẽ. Những người có tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân thì phải đeo khẩu trang và sử dụng kháng sinh hoặc thuốc dự phòng.
Người sống trong vùng có dịch bệnh lưu hành, có các bệnh nhân đã được chẩn đoán là bị nhiễm não mô cầu thì phải xem xét uống kháng sinh và tiêm vaccine dự phòng bệnh. Hiện căn bệnh này đã có vaccine đặc trị.
Sử dụng vaccine theo khuyến cáo nên sử dụng cho trẻ từ 2 - 5 tuổi, những đối tượng có nguy cơ cảm nhiễm cao như từ 14 - 19 tuổi, hoặc những người xác định sống trong vùng ổ dịch. Vaccine nếu chất lượng tốt, tiêm đúng kỹ thuật thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Khi người dân có những triệu chứng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc