(VnMedia) - Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh có thể truyền trực tiếp từ lợn sang người và gây ra biến chứng nguy hiểm, bệnh có diễn biến đột ngột, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm
Theo tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, tuần qua bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp mắc liên cầu lợn. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm liên cầu lợn được phát hiện trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, bệnh nhân Văn Huỳnh (SN 1960, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) nhập viện vào ngày 29/12/2012 trong tình trạng sốt cao, đau nhức toàn thân, rối loạn hoại tử, ù tai, nhiều nơi trên cơ thể như mặt, chân sưng phù, tím tái, không thể đi lại. Sau vài ngày theo dõi điều trị, hội chẩn liên khoa, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước xác định bệnh nhân Huỳnh bị nhiễm liên cầu lợn. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi khởi bệnh, bệnh nhân ăn thịt lợn bán trôi nổi trên thị trường nhiều ngày liền. Nguyên nhân có thể do người bệnh ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh .
Ngày 8/1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, qua hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân Trần Văn Huỳnh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn tuy đã thuyên giảm nhưng vẫn đang trong tình trạng rất nặng.
Theo TS. Phạm Thanh Thủy, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai thì liên cầu lợn (Streptococcus suis) là một loại vi khuẩn gram dương, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và mới được phát hiện là căn nguyên gây bệnh ở người. Người có thể nhiễm liên cầu lợn qua tiếp xúc trực tiếp với lợn nhiễm bệnh trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, hoặc do ăn phải chế phẩm còn sống từ lợn mắc bệnh (tiết canh, thịt tái...). Những người sống ở nông thôn có thể là yếu tố nguy cơ nhiễm liên cầu lợn.
Bệnh liên cầu lợn có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Diễn bệnh của bệnh thường đột ngột, khi bị lây nhiễm, bệnh nhân có thể bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết cấp tính hoặc cả 2 thể trên.người bệnh dễ tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Bệnh nhân Huỳnh đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước . |
Triệu chứng của bệnh
Người bị bệnh viêm cầu lợn thường có biểu hiện như bị sốt cao, chân tay lạnh run, đau đầu, nôn ói, cứng cổ, hôn mê....Ngoài ra, trên cơ thể người bệnh có thể xuất hiện những mảng xuất huyết màu tím thẫm, từng mảng lớn hoặc lốm đốm… Bệnh có thể diễn tiến nặng đưa đến suy nội tạng, suy hô hấp, trụy mạch, hoại tử ngón tay, ngón chân, chảy máu trầm trọng…
Nhiễm liên cầu lợn ở người dễ biến chứng nghiêm trọng: viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Ở thể viêm màng não mủ, bệnh nhân thường có biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, lơ mơ, nếu nặng có thể có co giật, hôn mê sâu. Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh nhân bị sốt cao, có biểu hiện của tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc; có thể còn nổi ban hoại tử trên da mặt, đầu, chân, tay... nhiều trường hợp còn dẫn đến suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong. Giảm thính lực là hậu quả của bệnh.
Thực tế, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn nhập viện là không nhiều, tuy nhiên thường các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nặng hoặc đã bị biến chứng, do đó việc điều trị gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng này là do những hiểu biết về bệnh liên cầu lợn còn hạn chế, và đa số người dân chưa có những kiến thức cơ bản về nhận dạng, phòng tránh bệnh. Khi bệnh nhân đã bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nếu để muộn thì tỷ lệ tử vong cao, còn nếu được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể sống và ít để lại di chứng. Với thể viêm màng não thì bệnh nhân có thể bị giảm thính lực từ nhẹ đến nặng.
Tiếp xúc trực tiếp: Người tiếp xúc trực tiếp máu, dịch tiết, cơ quan nội tạng, thịt, phân lợn có thể bị nhiễm bệnh thông qua những vết thương hở, xước ở da. Trong phân lợn, vi khuẩn có thể tồn tại trong 8 ngày.
Chế biến món ăn: Vi khuẩn liên cầu lợn có khả năng sống được 10 phút ở 60độC. Khi ăn những món ăn chế biến từ lợn còn sống, tái như tiết canh, dồi trường, lòng lợn… là chúng ta đưa trực tiếp liên cầu khuẩn vào cơ thể mình. Phần lớn, để có món lòng lợn giòn và ngon, nhiều người không luộc kỹ. Có đến 30% ca mắc bệnh liên cầu lợn là những người thường xuyên ăn tiết canh lợn hoặc các món liên quan tới lòng lợn.
Ngoài ra, khoảng 30% bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn từ những nguồn gây bệnh khác như chó, mèo, chim, cũng có thể bị nhiễm bệnh. Ruồi cũng có thể là tác nhân phát tán mầm bệnh rất khó kiểm soát.
Biện pháp phòng bệnh
Đối với những người làm nghề giết mổ lợn, phải tuân theo các quy định: Không giết mổ lợn bị bệnh; không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để, tránh gây nhiễm ra môi trường và cộng đồng; mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...); nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn. Khi giết mổ hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ.
Đối với người chế biến thức ăn: Giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ và rửa tay sau khi thao tác; khi lưu trữ, bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh; không dùng dụng cụ chế biến thịt sống để chế biến thịt (dao, thớt); rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thịt; sản phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn...
Để phòng bệnh, chúng ta phải nấu chín các thức ăn có nguồn gốc từ lợn, không ăn tiết canh. Người có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, cần đi khám bệnh sớm.
Ý kiến bạn đọc