(VnMedia) - Lứa tuổi thanh thiếu niên phải trải qua rất nhiều sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Ở lứa tuổi này, nam thanh thiếu niên cũng dễ mắc một số bệnh nếu bản thân các em và các bậc cha mẹ không chú ý, bệnh có thể phát triển âm thầm và ngày càng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày.
Dưới đây là một số bệnh nam thanh thiếu niên dễ mắc:
Lang ben
Lang ben là một bệnh ngoài da do vi nấm Pityrosporum orbiculaire gây ra. Đây là bệnh thường gặp tại Việt Nam, người bệnh thường cảm thấy ngứa, sang thương da (da biến màu trắng hay đen), vẩy, Việc điều trị bệnh tương đối dễ dàng nhưng vấn đề khó khăn nhất là tình trạng tái phát.
Bệnh thường tiến triển âm thầm và lâu dài từ nhiều tháng đến nhiều năm, lứa tuổi thanh thiếu niên dễ mắc bệnh nhất, tập trung ở lưng, ngực, cổ và mặt trong cánh tay . Thời gian bị bệnh càng lâu thì càng khó chữa. Tỉ lệ mắc bệnh lại sau 1 năm thường cũng khá cao (20%)
Mụn trứng cá
Bệnh trứng cá (mụn trứng cá) là một bệnh ngoài da, chủ yếu gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá.
Mặc dù mụn trứng cá không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống bởi bệnh đa phần gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Mụn trứng cá gây cho người bệnh cảm giác bối rối, bất an khi tiếp xúc với người khác và thậm chí có thể gây trầm cảm, xa lánh bạn bè, thụ động.
Đối với mụn trứng cá nặng nếu như không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Do đó cần nắm rõ các yếu tố sau nhằm góp phần đem lại hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết các trường hợp này.
Stress
Không bị nhiều sức ép về đời sống kinh tế hay chuyện kinh doanh như người lớn, nhưng cũng có vô vàn lý do làm cho đối tượng thanh thiếu niên trở nên stress. Thực tế, các bác sĩ cho thấy, stress ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường xuất hiện trong các hoàn cảnh như bệnh nhân học hành quá nhiều hay các thất bại trong lĩnh vực học tập, bị áp lực từ phía cha mẹ, có mâu thuẫn với bạn bè, rắc rối trong tình yêu. Hoặc họ gặp các vấn đề trong gia đình: bạo lực, sự bỏ bê, cha mẹ bất hòa hay ly dị... Thậm chí, ngay cả các suy nghĩ tiêu cực về hình dáng cơ thể hay khả năng của bản thân cũng làm cho những “người lớn trẻ con” này bị stress.
Stress ở tuổi thanh thiếu niên, nếu không được can thiệp và điều trị sớm sẽ dẫn đến hành vi tự tử. Vì vậy, trẻ rất cần sự chia sẻ, thông cảm và tôn trọng từ phía người lớn. Những giao tiếp thường xuyên và cởi mở giữa các thành viên trong gia đình sẽ giúp trẻ dễ dàng vượt qua những sang chấn hoặc giúp trẻ tự tin hơn.
Rối loạn hành vi
Phim ảnh bạo lực có thể là nguyên nhân gây rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên. |
Gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, nói tục nơi công cộng, ăn cắp, đua xe mạo hiểm trên đường phố, tấn công trẻ em... Đó có thể là hậu quả của sách báo, phim ảnh bạo lực, bạo dâm, các văn hóa phẩm đồi trụy hoặc xuất hiện do ảnh hưởng của nhóm trẻ em xấu.
Các biểu hiện của rối loạn hành vi rất đa dạng, xuất hiện lặp đi lặp lại và kéo dài ít nhất 6 tháng. Những rối loạn hành vi nhẹ thường thuyên giảm theo thời gian. Nhiều thanh thiếu niên có rối loạn hành vi khi đến tuổi trưởng thành có thể thích ứng xã hội và hoạt động nghề nghiệp vừa phải. Tuy nhiên, những rối loạn nặng thường có khuynh hướng trở thành mạn tính. Những trẻ này rất khó thích ứng với xã hội, thường có hành vi xâm phạm sớm và duy trì đến tuổi trưởng thành. Một số có thể thích ứng với các hoạt động xã hội nhưng vẫn có hành vi chống đối, phạm pháp.
Việc điều trị rối loạn hành vi đòi hỏi phải kiên trì, kéo dài và có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường, bác sĩ tâm thần và xã hội. Cần áp dụng liệu pháp tâm lý (liệu pháp tâm lý gia đình, liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm), tạo môi trường trường học lành mạnh. Thuốc không có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn hành vi, ngoại trừ khi có bệnh khác kết hợp.
Tim mạch
Các nhà nghiên cứu cho biết những thanh thiếu niên không ăn đủ lượng chất xơ mỗi ngày dễ bị béo bụng và có nồng độ cao hơn các yếu tố viêm trong máu. Cả 2 tình trạng này đều là các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch.
Theo khuyến cáo của các nhà nghiên cứu, hãy ăn nhiều rau, quả và ngủ cốc nguyên cám hơn nữa. Các thực phẩm giàu chất xơ gồm có ngũ cốc, các cây họ đậu và một số loại rau và quả (không nên nấu quá kỹ).
Tiểu đường
Tiểu đường týp 1: tiểu đường phụ thuộc insulin, là loại tiểu đường chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường týp 1 cần điều trị bằng insuline thì mới có cơ hội sống. Khi bệnh tiểu đường diễn tiến nhanh hoặc khi bệnh nhân được phát hiện muộn, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và xê-ton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ hôn mê.
Nếu có biểu hiện nghi ngờ các bậc cha mẹ hãy đưa con đi khám bác sĩ để xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Huyết áp
Lối sống ảnh hưởng tới huyết áp của các thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các nam thanh niên uống rượu tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Nói chung, huyết áp tâm thu trung bình ở nam thanh niên trong nghiên cứu này cao hơn 9 mmHg so với ở các thiếu nữ. Ở các nam thanh niên, huyết áp tâm thu liên quan rõ rệt với lượng muối ăn, uống rượu và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Cao huyết áp làm tăng khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, hoạt động thể chất đều đặn giúp giảm huyết áp tâm thu.
Quai bị
Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.
Biểu hiện lâm sàng phổi biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.
Bệnh thoái hóa xương sụn
Thoái hóa xương sụn thường có tiến triển âm ỉ, đau tại vị trí tổn thương có thể phân chia thành nhiều loại bệnh khác nhau như: bệnh sưng đau lồi củ trước xương chày, viêm xương sụn bóc tách… Để xác định bệnh, thầy thuốc thường phải dựa vào lâm sàng và hình ảnh Xquang. Kết quả điều trị lại phụ thuộc vào vị trí tổn thương và thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Đây là bệnh hay xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi, đặc biệt là nam giới và những em chơi các môn thể thao như đá bóng, nhảy cao, nhảy xa hay chạy. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh các nguyên nhân gây khởi phát hoặc làm nặng tình trạng bệnh. Nếu triệu chứng kéo dài dai dẳng cần bất động khớp gối cần phải đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Sỏi mật
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thanh thiếu niên bị béo phì không chỉ dễ mắc căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường típ 2, huyết áp và mỡ trong máu cao mà còn đối mặt với nguy cơ phát triển căn bệnh sỏi mật .
Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ cấu tạo từ cholesterol, hình thành trong túi mật. Căn bệnh này không hề có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào, nhưng nó thường gây ra các cơn đau thắt ở vùng bụng. Mặc dù sỏi mật là căn bệnh phổ biến ở những người trưởng thành bị béo phì, nhưng rất hiếm khi phát hiện bệnh này ở trẻ em và thanh thiếu niên. Vì vậy, đây cũng là lời cảnh báo về sự gia tăng và xu hướng xuất hiện sớm những căn bệnh chỉ có ở người trưởng thành trên những người trẻ bị béo phì mức độ từ nhẹ đến nặng.
Ý kiến bạn đọc