"Gay + Les" sẽ thành cặp đôi gì?

07:01, 27/01/2013
|

(VnMedia) - Ngày càng có nhiều người đồng tính nam (Gay) muốn kết hôn với đồng tính nữ (Les) để "hợp tác" cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ vợ chồng mà vần có thể sống một cuộc sống ngoài hôn nhân. Cuộc sống thật và cuộc sống ảo đang song hành diễn ra...

GAY + LES = ?

Với những người đồng tính không kể nam hay nữ, chắc chắn ít nhất một lần trong đời họ đều đặt ra cho mình một “bài toán” và cũng là một dấu hỏi lớn trong cuộc đời: gay và les như mình nếu lấy nhau sẽ như thế nào? Hầu hết trong số họ đều trải qua giai đoạn “khẳng định giới tính” này trước khi đưa ra quyết định cho số phận. Giống như “thời kỳ quá độ” sự mập mờ, lo lắng và “tính toán” khiến hầu hết những người đồng tính lâm vào tình trạng bất ổn, khó khăn. Nhất là đối với những người đồng tính nam (gay), hầu như chưa ai phủ nhận mình đã từng có dòng suy nghĩ này.

Minh Hòa là gay, 26 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty bất động sản nổi tiếng, hiện tại đang sống và làm việc tại TP.HCM, công việc khá ổn định và thoải mái, thế nhưng với anh, gia đình, bạn bè và những mối quan hệ thân thuộc xung quanh luôn là một áp lực lớn. Đó là chuyện thúc ép anh phải sớm lập gia đình, lấy vợ sinh con. Là con một, bố mẹ đã về hưu, niềm kỳ vọng lớn nhất đều được đặt trên vai đứa con trai ngoan ngoãn chưa một lần làm bố mẹ phiền lòng điều gì. Chính vì lẽ này mà Minh Hòa đã thật sự cố gắng sống tốt, một nhân viên gương mẫu ngoài xã hội, một đứa con có hiếu trong gia đình.

Tuy nhiên, anh thừa nhận từ khi biết mình là một gay “kín” thì anh luôn phải sống khỏa lấp, thỏa hiệp với dư luận, sống không thật với bản thân. Có những khi cảm thấy quá trống trải trong tâm hồn, anh chỉ muốn đi thật xa, muốn cắt đứt mọi sự ràng buộc để được sống là chính mình. Mỗi lần như thế anh lại nghĩ về người mẹ tần tảo, người cha đã già yếu, anh thấy mình thật có lỗi, rồi lại thôi. Cậu bạn hàng xóm ngày nào học chung lớp giờ đã có vợ hai con. Mỗi tết về ghé qua thăm, nhìn gia đình bạn, nhìn bố mẹ, lòng anh thấy tủi mà không biết phải chia sẻ như thế nào.

Cuối cùng, anh đã quyết định đưa dòng tâm sự này lên một diễn đàn dành cho thế giới thứ ba với hy vọng sẽ tìm được một les (đồng tính nữ) nhỏ hơn hoặc bằng tuổi, cũng có suy nghĩ như anh, để tiến tới hôn nhân. Dĩ nhiên, anh cũng không quên kèm theo những điều kiện cần và đủ cho “cộng sự”: không quá nam tính, công việc ổn định để không phụ thuộc ràng buộc kinh tế lẫn nhau. Anh hứa sẽ tôn trọng mọi quyết định và đời sống tình cảm riêng của đối phương theo những “thỏa thuận ngầm”. Điều này không quá khó để hiểu vì sao gay và les lấy nhau ngoài tờ giấy đăng ký kết hôn chính thức còn thường kèm theo bản “hợp đồng phụ lục”.

“Tình hợp đồng”

Phạm Thành, 30 tuổi, một gay ở tỉnh X, cho biết: “Thỉnh thoảng, trong các câu chuyện “trà dư tửu hậu” được các đồng nghiệp ở công ty bàn tán đến là về người đồng tính với lời lẽ đầy giễu cợt, khinh khi. Vì không muốn trở thành nạn nhân của những nhận xét ác ý đó nên tôi đã sống khép mình. Nhưng dần dần, họ cũng tỏ thái độ nghi ngờ nên tôi phải tìm “giải pháp” để mong được yên thân...”. Đúng lúc đó, Thùy Dung, cô bạn cùng thời đại học, cũng bị gia đình bắt phải lấy chồng. Vốn dĩ là một les nhưng cũng như Thành, Dung hạn chế một cách tối đa những người biết giới tính thật của mình. Và chỉ sau một tuần cả hai đã bàn bạc và quyết định làm đám cưới.

Cuộc ra mắt hai họ đã thành công tuyệt đối, bởi cả hai gia đình đều rất hài lòng với “nửa kia” của con mình. Sau ngày cưới, Thành cũng không ngần ngại cho chúng tôi xem “biên bản thỏa thuận” với 12 điều khoản vô cùng đặc biệt. Chẳng hạn như, mỗi người sẽ sống riêng một phòng, người kia tuyệt đối không được xâm phạm quyền riêng tư của người này. Khi nào muốn làm “chuyện ấy” chỉ cần nhắn tin qua điện thoại cho đối phương, nếu đồng ý sẽ được tiến hành ở một “phòng ái ân” khác trong nhà. Ấn tượng nhất vẫn là điều khoản thứ bảy: “tiền ai nấy tiêu, bồ ai nấy xài”.

Ảnh minh họa

“Tình hợp đồng” của gay & les sẽ đưa nhau đến mái nhà chung hay bờ vực thẳm?

Họ quy định rõ ràng, nếu đối phương quen và đưa người tình đồng giới về nhà thì người kia không được quyền có ý kiến. Ngược lại, nếu quan hệ tình cảm với người khác giới thì cuộc hôn nhân này lập tức bị hủy bỏ. Ngoài ra, không được kiểm soát thời gian và… điện thoại của nhau. Mọi chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày, mua sắm đồ dùng vật dụng trong nhà… đều được hoạch toán một cách sòng phẳng mỗi cuối tháng. Mặc dù vậy, họ cũng đặt lên vai trách nhiệm dự trù lo cho “thế hệ tương lai” của mình bằng cách, cứ đến kỳ lĩnh lương mỗi người phải trích ra hai triệu đồng vào tài khoản chung gọi là chi phí nuôi dạy con cái.

Nếu như không có con thì tài khoản cũng sẽ được chia đều cho cả hai khi không còn chung sống. Xem ra đây cũng là một “chiến lược” đầu tư bài bản và lâu dài của đôi vợ chồng “chắp vá” này. Hiện tại, Thành vừa công khai dẫn “bạn trai” về ra mắt vợ, còn Dung cũng chẳng giấu giếm tình yêu với một les khác. Cho dù mỗi người một thế giới, thế nhưng, cứ khoảng ba tuần một lần, họ vẫn đều đều dẫn nhau về nhà gái, hoặc nhà trai cho ba mẹ thỏa lòng rồi lại trả về cho nhau đúng vị trí “vốn phải là” của mình. Và họ nghiễm nhiên được xem là một “mái ấm” như bao gia đình khác.

Những trường hợp gay lấy les để “che mắt thiên hạ” như trường hợp trên không phải hiếm. Trào lưu này đang nở rộ trong cộng đồng thế giới thứ ba. Việc làm đó giống như một cơ chế phòng vệ mà gay buộc phải áp dụng để đối phó lại những áp lực nặng nề từ phía xã hội và gia đình. Liệu đây có thật sự là một giải pháp hoàn hảo cho người đồng tính? Còn bản thân những người trong cuộc họ nghĩ sao về thực trạng này?

Toàn Thắng (27 tuổi – Nghề tự do): “Trong một điều kiện quá bức bách và không có lối thoát nào, thì tôi nghĩ việc kết hôn và sinh con với một les là điều có thể chấp nhận được. Không biết rồi sau khi kết hôn, cuộc sống diễn ra như thế nào, nhưng điều mà tôi và cả cô ấy mong mỏi nhất là một đứa con sẽ thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể mãn nguyện với “thành quả” đó. Nếu tìm được, tôi sẽ đề nghị cưới và sinh con”.

Duy Vũ (20 tuổi – Sinh viên): “Nếu như mọi người đều hiểu, đều thấy gay và les cũng như tất cả những người bình thường khác thì sẽ không có những cuộc “ép duyên” ngay trong xã hội hiện đại. Và tất nhiên, sẽ không có những bản hợp đồng hôn nhân buồn đến sâu thẳm như thế. Không ai có thể phủ nhận rằng rất nhiều gay là một người cha tốt. Và cũng không ai có thể chối bỏ rất nhiều les cũng đã trở thành một người mẹ tốt. Vậy nên, với tôi gay và les lấy nhau, rất có thể họ cũng sẽ mang đến cho những đứa con của mình một cuộc sống tốt: đủ đầy, hạnh phúc vì được cha mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc… Họ là vợ chồng trong mắt con mình nhưng thực tế họ chỉ là bạn hoặc có thể là đối tác trong một bản hợp đồng thì cũng là điều bình-thường-thôi!”

Đức Trọng (32 tuổi – Kinh doanh): “Khi nào gay và les suy nghĩ thật chín chắn về vấn đề gia đình, vai trò cha mẹ đối với con cái, trách nhiệm tinh thần và tài chính thì lúc ấy hai người có thể lấy nhau. Nhưng tôi nghĩ làm vậy chi cho thêm rắc rối, bởi trước sau gì người khác cũng nhận ra thôi. Giấy làm sao gói được lửa. Nếu sợ người ta biết là gay thì không lẽ không nghĩ ra một lý do chính đáng nào để từ chối sao. Bạn vẫn có thể cho mọi người biết tôi chọn sự độc thân và đó là cuộc sống của tôi thì ai có thể nói gì nào”.

Gia Minh ( 29 tuổi – Phóng viên): “Không bị bắt lấy vợ thì thôi chớ lấy les làm gì? Tưởng tượng cảnh một gia đình mà chồng tối tối theo trai, vợ thì chiều lại cặp kè với gái thì thật chẳng ra làm sao cả. Mà đã cưới thì họ cũng sẽ sinh con. Con nó lớn lên khi hiểu ra cha mẹ mình như thế thì còn đâu là niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc? Sẽ ra sao nếu biết rằng chúng được sinh ra mãi mãi không phải là minh chứng của một tình yêu như những đứa trẻ khác mà là kết quả từ… áp lực của cha mẹ. Gay và les kết hôn họ sẽ mất nhiều hơn là được. Bởi có ai muốn phải suốt đời mang trên mặt một chiếc mặt nạ và chẳng thể tháo nó ra ngay cả với những đứa con của mình, với cha mẹ của mình đâu. Một cuộc sống cứ như sàn diễn, lúc nào cũng mệt mỏi bởi phải diễn, phải cười… Tóm lại là tôi phản đối”.


Song Nam

Ý kiến bạn đọc