Có nên cho trẻ uống thuốc của người lớn?

06:26, 04/01/2013
|

(VnMedia) - Hiện nay, không ít các bậc cha mẹ không những không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ mà còn tự mua thuốc để điều trị cho trẻ. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Nhiều cha mẹ bé thường nghĩ chỉ cần giảm liều so với người lớn là có thể sử dụng cho trẻ để tránh mất thời gian và chi phí. Thực tế có rất nhiều thuốc sử dụng cho người lớn nhưng không được dùng cho trẻ nhỏ, hơn nữa cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất, chức năng của các cơ quan… nên việc dùng thuốc cũng có những điểm khác biệt lớn.

Theo DS Nguyễn Như Hiền, khi sử dụng thuốc cho trẻ, tùy đặc điểm của từng loại thuốc, liều dùng sẽ được tính toán cho phù hợp với từng lứa tuổi, trong đó có các yếu tố: tuổi, cân nặng, diện tích da, chức năng gan thận…Thuốc sử dụng cho người lớn thường được tính trên số viên, số lần dùng mỗi ngày trong khi đó ở trẻ thường được tính theo mg/kg. Do đó, liều lượng sử dụng cho trẻ đôi khi có sự khác biệt rất lớn so với người lớn. Vậy nên, việc “ ước chừng” liều có thể gây nên những độc tính cho trẻ đôi khi rất tai hại ngay cả những thuốc được xem là dùng không cần kê đơn. Ví dụ trường hợp Paracetamol thường dùng hạ sốt cho trẻ , việc chia liều không đúng hoặc sử dụng một lúc nhiều loại biệt dược ( do không am hiểu về thuốc) có thể gây quá liều, làm cạn kiệt glutathion dẫn đến tiêu hủy tế bào gan.

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc có thể chia nhỏ viên thuốc, nghiền viên thuốc, bỏ vỏ nang pha vào sữa hoặc thức ăn, thức uống khác cho trẻ dễ uống? Đây là việc không nên làm. Việc phân chia viên thuốc thường không đúng liều dùng có thể gây thiếu hụt hoặc quá liều, khi uống sẽ không mang lại tác dụng điều trị hoặc quá liều gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt đối với các thuốc có khoảng trị liệu hẹp. Đối với viên nang, việc tháo rời viên thuốc ảnh hưởng rất lớn tới tác dụng của thuốc, vì lớp nang được sản xuất có tác dụng bảo vệ lượng bột thuốc tránh bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài hoặc ảnh hưởng đến việc thuốc có được hấp thu “ đúng lúc”, “ đúng nơi”, “đúng cách” theo công thức của nhà sản xuất hay không, đấy là chưa kể nếu để bột thuốc ra ngoài có thể gây những biến tính trên thuốc thành những chất gây hại cho cơ thể. Việc pha thuốc vào thức ăn, thức uống cho trẻ cũng cần hạn chế vì rất nhiều thuốc khi bị ảnh hưởng bởi thức ăn dẫn đến giảm lượng thuốc hấp thu để đạt hiệu quả điều trị; một số thuốc có thể tương tác với thức ăn gây tăng độc tính, gây ra độc tính mới hoặc giảm tác dụng điều trị của thuốc. Trong những trường hợp cụ thể, hãy xin ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.

Một số thuốc vitamin, được xem là thuốc bổ,nhất là các loại được quảng cáo là chiết xuất từ thiên nhiên, dùng bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên đây được xem là thuốc, cần sử dụng theo đúng liều lượng, nhu cầu của từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn vitamin A, một thành phần thiết yếu của võng mạc nên rất quan trọng với mắt, cần thiết cho hoạt động biểu mô, bài tiết chất nhầy… Tuy nhiên nếu sử dụng quá liều sẽ gây tích tụ trong cơ thể. Thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân. Ngộ độc có thể xảy ra khi uống trên 40.000 đơn vị mỗi ngày, gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày có thể khiến thai nhi dị dạng…

 Theo khuyến cáo của các chuyên gia, hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ!


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc