Để phá thai, D. mua liền một mớ viên tránh thai khẩn cấp có tên gần giống là Mifestad 10 (Mifepristone 10 mg), vì nghĩ… uống 20 viên 10 mg cộng lại là đủ liều!
Hậu quả khôn lường
Lỡ “dính” bầu, T.T.T.D (17 tuổi) lên một diễn đàn cầu cứu về phương pháp phá thai bằng thuốc do ngại đến bệnh viện (BV).
Câu hỏi nhanh chóng được cộng đồng mạng bàn luận. Một chị cho biết mình từng đi phá thai nội khoa tại BV Từ Dũ (TPHCM), nhớ có dùng một viên thuốc tên là Mifestad 200 (Mifepristone 200 mg) để làm chết thai, sau đó uống thêm mấy viên gì nữa không rõ.
Như bắt được vàng, D. chạy khắp các nhà thuốc để tìm thuốc Mifestad 200 nhưng chẳng có nơi nào bán. Sực nhớ từng tránh thai bằng viên tránh thai khẩn cấp có tên gần giống là Mifestad 10 (Mifepristone 10 mg), D. mua liền một mớ với suy nghĩ… uống 20 viên 10 mg cộng lại thì cũng đủ liều thôi!
Hơi lo ngại về danh sách những tác dụng phụ được nhà sản xuất ghi trên toa như xuất huyết, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… và khuyến cáo không dùng quá 2 lần/tháng, D. vẫn nhắm mắt uống liền 10 viên và để 10 viên còn lại cho ngày mai.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, D. bắt đầu đau bụng dữ dội, choáng váng, muốn ngất. Cô đành phải thú thật với mẹ để được đưa đi cấp cứu.
Chị Ng.H.Q (35 tuổi) lại khổ sở vì uống quá liều Misoprostol, một trong những loại thuốc thường dùng trong phá thai nội khoa, để kích thích tử cung co bóp và đẩy bào thai đã chết ra.
Tuy nhiên, chị Q. uống đến gần chục viên trong gần một tuần lễ mà thai vẫn nằm nguyên trong tử cung. “Con tôi vẫn còn nhỏ quá, giờ sinh thêm đứa nữa không nuôi nổi nên nghe lời người quen đến một phòng khám tư nhân gần nhà.
Bác sĩ cho uống mấy lần mà cũng chỉ ra ít máu, siêu âm thì thai vẫn còn” - chị Q. kể. Chị gọi đến tổng đài tư vấn của BV Từ Dũ thì nhận được khuyến cáo nên đến BV để được kiểm tra sớm và thực hiện thủ thuật đúng cách. Hết chịu nổi cơn đau dai dẳng trong suốt mấy ngày uống thuốc, chị đành nghe lời và vào BV khám lại.
Ảnh minh họa |
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa - Gia đình BV Từ Dũ, cho biết bà còn gặp trường hợp một số phụ nữ sau khi tự ý uống thuốc, bào thai chết nhưng vẫn nằm trong tử cung, họ không hay biết mà cứ cho rằng vậy là phá thai xong rồi.
“Thai chết lưu để lâu trong cơ thể sẽ gây ra biến chứng. Để trên 4 tuần, có nguy cơ bị rối loạn đông máu, dẫn đến băng huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Có trường hợp băng huyết phải cắt cả tử cung và đương nhiên là mất luôn khả năng làm mẹ”.
Một số khác sau khi uống những toa thuốc lượm lặt hoặc chỉ uống 1 trong 2 loại Misoprostol hay Mifepristone, cứ đinh ninh rằng việc phá thai đã thành công mà không hay biết bào thai vẫn phát triển. Khi bụng dần to ra và phát hiện thai vẫn còn, họ buộc phải đi phá khi thai đã lớn.
Theo bác sĩ Mai, thai càng lớn thì việc nạo hút càng phức tạp, nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản càng cao. Ngoài ra, đã lỡ uống các loại thuốc phá thai thì bào thai đó giữ cũng không được vì thuốc sẽ gây các dị tật nặng nề cho thai nhi.
Dùng thuốc vẫn nguy hiểm
Bác sĩ Mai nhấn mạnh: Đã phá thai thì cách nào cũng đều nguy hiểm, cho dù được thực hiện bằng thuốc. Đó cũng là lý do phá thai nội khoa được quy định rất chặt chẽ: BV tuyến quận, huyện chỉ được thực hiện cho thai dưới 7 tuần tuổi, BV tuyến tỉnh, thành là dưới 8 tuần, tuyến Trung ương là dưới 9 tuần.
Một số cơ sở y tế tư nhân cũng được cho phép nhưng phải có những điều kiện nhất định về phương tiện và nhân lực và chỉ được phá thai dưới 6 tuần.
Với phương pháp thường dùng là kết hợp Mifepristone và Misoprostol thì Mifepristone là loại không hề được bán tự do trên thị trường nên chắc chắn người có nhu cầu bỏ thai sẽ không được uống đúng thuốc nếu tự tìm mua bên ngoài.
Riêng Misoprostol (còn có tên Alsoben) còn có tác dụng điều trị các hội chứng dạ dày - tá tràng nên có bán trên thị trường và chính là loại “thuốc phá thai” mà nhiều người đã tìm mua được tại nhà thuốc. Tuy nhiên, chỉ dùng một loại này thì không thể nào loại bỏ thai được.
Theo nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thanh Loan, chuyên làm công tác tư vấn phá thai nội khoa tại BV Từ Dũ, phá thai bằng thuốc hay bằng phương pháp nạo hút đều phải tuân thủ quy trình chặt chẽ.
Trước tiên, bệnh nhân phải được khám và siêu âm để xác định chính xác có thai thật hay không, thai trong hay ngoài tử cung, tuổi thai phải ít nhất 5-6 tuần và dưới 9 tuần thì mới dùng thuốc được.
Đối với bệnh nhân ở các đô thị, có thể uống thuốc tại nhà và phải tuân thủ nghiêm ngặt giờ uống, liều lượng và sẵn sàng nhập viện nếu có các biến chứng. Đối với bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa hoặc tuổi thai đã trên 7 tuần, việc uống thuốc phải thực hiện ở BV để BS có thể theo dõi.
Phá thai nội khoa tại BV thì tỉ lệ thành công cũng chỉ là 95% nên bệnh nhân buộc phải tái khám theo yêu cầu.
Ý kiến bạn đọc