Ứa nước mắt nơi đã cạn kiệt vì nỗi đau

16:45, 25/12/2012
|

(VnMedia) - Chiều 24/12, trong khi những người đến thăm rơi lệ thì thật kinh ngạc, những bà mẹ đang ôm đứa con chờ chết lại không có một giọt nước mắt. Nỗi đau của họ đã chảy vào trong…

 

Chúng tôi đến thăm Viện Huyết học - truyền máu trung ương vào buổi chiều Noel, khi mà ở ngoài kia, những đứa trẻ đang hết sức sung sướng chờ đón những món quà mà bố mẹ của chúng sẽ hóa thân thành những ông già Noel trao tặng. Nhìn những đứa trẻ ốm yếu, đứa thì nằm cong queo trên những chiếc giường chật hẹp, đứa thì đang được mẹ bế trên tay, chúng tôi phải cố nén lòng để hỏi thăm, mà nước mắt người nào cũng chỉ chực trào ra.

 

Trong số các phóng viên của VnMedia đến thăm các con hôm nay, phần lớn đều là nữ, đã có gia đình và đang nuôi con nhỏ. Vì thế, cái cảm giác khi nhìn những cặp mẹ con đang từng ngày chiến đấu với tử thần khiến trái tim chúng tôi như bị bóp nghẹt. Cô bạn đồng nghiệp còn trẻ lần đầu tiên vào khoa nhi của viện Huyết học, cứ đứng trân trân nhìn một cậu bé mặt mũi phù nặng do dùng thuốc mà vẫn cười toe toét, thì thầm với tôi: Chị ơi, có phải cháu bé chẳng còn sống được bao lâu nữa không?, rồi cố ghìm nước mắt, cô chia cho các con những gói quà nhỏ một cách nhẹ nhàng, ân cần như sợ chạm vào nỗi đau của các bé.

 

Thế nhưng, trái ngược với những gì chúng tôi đang cảm thấy, trái ngược với những gì chúng tôi tưởng tượng ra trước khi bước vào đây, những bà mẹ của những đứa trẻ đáng thương lại như rất bình thản. Họ, người thì lặng lẽ ôm trên tay đứa con nhỏ đang thiêm thiếp, người thậm chí cười tươi, trêu chọc đứa con đang khóc để dỗ cho nó nín. Người lại cắm cúi bên khung thêu, thêu những bức tranh đủ mọi màu sắc…

 Ảnh minh họa

 Người mẹ này đang ôm đứa con trong tay khi chị biết rằng, điều đó không còn lâu nữa. Nhưng nước mắt của chị đã không còn...


Ôm chặt trên tay đứa con giờ chỉ còn da bọc xương, đang mê man sốt, chị Phạm Hà Chuyên (Thái Nguyên) kể: Bác sĩ bảo, con chị, cháu Nguyễn Thúy Trinh đang ở giai đoạn cuối của bệnh bạch cầu cấp. Cuộc sống giờ chỉ tính được bằng ngày… Giọng nói đều đều, không một giọt nước mắt của chị khiến tôi dường như không thể tin nổi rằng, bất cứ lúc nào, đứa con yêu quý của chị cũng có thể rời bỏ chị mà đi. Chẳng phải tình cảm đã chai rồi, mà bởi nước mắt chị đã cạn. Hơn 2 năm qua, chị đã cùng con chiến đấu với bệnh tật, với đau đớn và nghèo đói. Chồng chị ở nhà đi làm phu hồ, đứa con lớn năm nay mới 6 tuổi, chả mấy khi được ở gần mẹ vì chị phải ở bệnh viện chăm đứa em.

 

Ngay bên cạnh giường của chị Chuyên là giường của mẹ con chị Trịnh Thị Hồng cũng ở Thái Nguyên. Cháu Trường, con chị vừa được 6 tuổi, cái tuổi bắt đầu đến trường. Bé Trường cũng bị bệnh bạch cầu cấp. Chị Hồng bảo, đây là đợt điều trị hóa chất thứ 8 của con. Vậy mà hai mẹ con chị vẫn bình thản. Cháu bé thậm chí còn cười rất tươi để các cô chú chụp ảnh.

 

“Những trẻ đã phải đến đây đều bị bệnh rất nặng. Lúc đầu khi khám ở viện Nhi, biết kết quả con bị bệnh hiểm nghèo, ai cũng ngất lên ngất xuống. Nhiều người không đủ sức để đi, toàn phải bò. Khi chuyển đến Viện Huyết học này thì gần như đã cùng kiệt, kể cả tinh thần lẫn vật chất” - một người mẹ tâm sự.

 Ảnh minh họa

Còn người mẹ này thậm chí đã mỉm cười khi đứa con của chị đã phải điều trị hóa chất tới lần thứ 8 do căn bệnh ác tính.

 

Chị kể rằng, hồi con chị mới phát hiện bị bệnh suy giảm tiểu cầu, cả vợ chồng chị đều hoảng loạn. Thế mà, khi vào viện này, chị ngạc nhiên thấy những người khác rất bình tĩnh, mặc dù con họ còn bị bệnh nặng hơn. Rồi chị cũng hiểu ra, những người ấy đều đã phải trải qua những giây phúc kinh hoàng như chị. Lúc đầu là lo sợ cho tính mạng của con, rồi sau đó, nỗi lo thường trực, gần như là duy nhất của họ, đó là làm sao có tiền để duy trì, để kéo dài sự sống cho con.

 

Trông con trong bệnh viện đã rất vất vả, nhưng những người mẹ ấy lại còn phải đau đáu nỗi nhớ thương đứa con khác đang gửi ở nhà. Vắng mẹ, đứa thì ở với bà nội, đứa ở với bà ngoại. Có đứa còn phải tá túc ở nhà họ hàng, làng xóm… Chưa hết, để kiếm thêm tiền nuôi con, nhiều bà mẹ đã học nghề thêu, “sản xuất” ngay tại giường bệnh. “Đêm thì thức trông con, ban ngày chịu khó thêu cũng kiếm thêm được 2 chục nghìn” - một chị tâm sự trong lúc vẫn cắm cúi thêu.

 

“Đã vào đến đây, giàu cũng thành nghèo. Dù biết là bệnh nan y, nhưng có người mẹ nào chịu mang con về nếu còn có thể chạy vạy được, còn có thể vay mượn được chút tiền? nếu hỏi ai là người khó khăn ở đây thì… ai cũng khó khăn cả. Chỉ là người nào khó khăn hơn người nào thôi” - nữ bác sĩ trẻ tên Phúc tâm sự.

 Ảnh minh họa

 Một người mẹ tranh thủ thêu để trong lúc trông con ở bệnh viện để kiếm thêm mỗi ngày 2 chục nghìn đồng

 

Theo bác sĩ Phúc thì số lượng bệnh nhân vào khoa ngày càng nhiều vì viện Nhi quá tải chuyển đến. Những bà mẹ có con bị bệnh hầu hết đều phải bỏ việc để chăm con. Có cháu may mắn sống được thêm đến vài ba năm, thì cũng là từng ấy thời gian người mẹ ngày đêm vất vả, sức cùng lực kiệt lo cho con. Ấy vậy nhưng, những người mẹ ấy vẫn cầu mong sao cho nỗi vất vả, khổ cực của mình được kéo dài thêm, bởi như vậy cũng có nghĩa là con họ còn sống.

 

“Nhiều cháu bệnh nặng lắm, nhưng bố mẹ vẫn tha thiết, sẵn sàng hy sinh tất cả để mong kéo dài sự sống cho con. Có những trường hợp thương tâm lắm. Như cháu Cường, biij bệnh ung thư máu điều trị ở viện Nhi chuyển đến. Bố cháu bị tâm thần, mẹ bán giò chả ở vỉa hè. Lúc con bị bệnh, chẳng biết trông vào đâu…” - bác sĩ Phúc kể.

 

Chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn của các bệnh nhân và những mong muốn từ cộng đồng, bác sĩ Phúc bảo: Ở đây các gia đình cái gì cũng thiếu. Thiếu tiền, thiếu thuốc, thiếu máu. Nhất là vào dịp gần Tết. Cán bộ công nhân viên bận bịu lo Tết, sinh viên nghỉ học dài ngày… lúc ấy, chẳng mấy người còn nghĩ đến việc đi cho máu. “Mọi người thấy Tết âm lịch được nghỉ tới 9 ngày thì mừng, còn bác sĩ và bệnh nhân của viện thì lại lo…” - bác sĩ Phúc chia sẻ.

 

Trở về từ chuyến thăm hỏi, chia sẻ của đoàn thanh niên báo điện tử VnMedia đến với Viện Huyết học chiều 24/12, nghĩ đến những người mẹ bất hạnh đã cạn khô nước mắt vì con, nhiều người bà trẻ trong đoàn đã âm thầm khóc. Họ đều mong sao có thể làm gì đó nhiều hơn là một lần tặng quà nhân dịp Giáng sinh. Chắc chắn, chúng tôi sẽ trở lại, với nhiều yêu thương hơn, nhiều chia sẻ hơn…


Tuệ Khanh - ảnh: Đàm Lương

Ý kiến bạn đọc