(VnMedia) - Nhiều người cứ nghĩ ăn nhiều thịt, cá, hay uống nhiều sữa có đường thì mới gây béo phì nên đã ăn nhiều cơm hơn để thay thế, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vẫn có nhiều người có quan niệm như trên. Họ cứ nghĩ ăn cơm nhiều thì không béo được, mà béo là do ăn nhiều đạm, nhiều sữa vì trong sữa có nhiều đường.
Thực tế, với lứa tuổi nhỏ, sữa là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày bởi nó bổ sung hàm lượng dinh dưỡng cân đối và bổ sung các chất can xi, vi chất tốt cho sự phát triển thể chất của bé.
Trong khi đó, ăn quá nhiều tinh bột, khi vào cơ thể, tinh bột chuyển hóa thành đường. Đó là lý do những trẻ dù không ăn sữa, nhưng ăn nhiều cháo, cơm mỗi ngày bé vẫn béo phì. Bản thân sữa không gây béo phì cho trẻ mà toàn bộ chế độ ăn cũng cần phải quan tâm.
Với cả người lớn và trẻ béo phì đều cần giảm các món ăn nhiều béo, đường ngọt, lượng cơm ăn cũng không nên nhiều quá. Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ .
Cháo, bột cho trẻ béo phì cần có mức năng lượng thấp, không cho thêm các thực phẩm nhiều béo vào bát bột, cháo của trẻ như: bơ, phomat, sữa giàu béo.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc