Những điều chú ý khi tiêm chủng cho trẻ em

20:25, 19/12/2012
|

(VnMedia) - Việc tiêm phòng vắc-xin góp phần tích cực phòng ngừa một số bệnh lưu hành tại cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra một số trường hợp sốc phản vệ, đặc biệt là ở trẻ em.

Theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
 
- Cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.
 
- Cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.
 
- Các bậc cha mẹ nên chú ý và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc... kéo dài trên 1 ngày.
 
- Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.
 
- Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
 
- Khi trẻ sốt cao, các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
 

- Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vaccine và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Khi nào không nên đưa trẻ đi tiêm chủng?


Trong một số trường hợp việc tiêm chủng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp sau không nên tiêm chủng cho trẻ:


- Trẻ đang sốt cao.

- Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

- Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).

- Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v...).

- Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

Để giúp theo dõi và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin, các bậc cha mẹ cần để lịch tiêm chủng được treo ở vị trí dễ nhìn để cha mẹ không bỏ sót mũi tiêm nào của con:

LỨA TUỔI

LOẠI VACXIN PHÒNG BỆN

LỊCH TIÊM 

Từ sơ sinh (càng sớm càng tốt) Lao (BCG)
Mũi 1: Có thể nhắc lại sau 4 năm
Viêm gan B (Hepatitis B)
Mũi 1
Bại liệt (Poliomyelitis)
Bại liệt sơ sinh
1 tháng tuổi Viêm gan B
Mũi 2
2 tháng tuổi Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Diphtheria, pertussis, tetanus, polio)
Mũi 1
Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi…do trực khuẩn H.influenza týp b
Mũi 1
Viêm gan B
Mũi 3 (Một năm sau nhắc lại mũi 4 và 8 năm sau nhắc lại mũi 5)
3 tháng tuổi Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt
Mũi 2
Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi…do trực khuẩn H.influenza týp b
Mũi 2
4 tháng tuổi Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt
Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm)
Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi…do trực khuẩn H.influenza týp b
Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm)
9 tháng tuổi Vacxin phối hợp sởi, quai bị, rubella (MMR)
Tiêm 1 mũi, 4-6 năm sau tiêm nhắc lại (Khi cần thiết nhắc lại sau 15 tháng)
Thủy đậu (Varicella)
Tiêm 1 mũi duy nhất (9 tháng – 12 tuổi)
Nếu trên 12 tuổi: tiêm 2 mũi (cách nhau 6 – 8 tuần)
12 tháng tuổi Viêm não Nhật Bản B (Japanese B encephalitis)
Tiêm 3 mũi (2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần và mũi 3 sau 1 năm)
15 tháng tuổi Vacxin phối hợp sởi, quai bị, rubella (vacxin MMR)
Tiêm 1 mũi (nhắc lại sau 4-5 năm)
18 tháng và người lớn Viêm màng não do não mô cầu (vacxin A+C meningoencephalitis)
Tiêm 1 mũi
(Cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần hoặc theo chỉ định khi có dịch)
24 tháng tuổi và người lớn Viêm gan A (Hepatitis A) = Vacxin Avaxim
Tiêm 2 mũi
Từ 2-15 tuổi: khoảng cách giữa 2 mũi là 6 tháng
Trên 15 tuổi: khoảng cách giữa 2 mũi là 6-12 tháng
Viêm phổi, viêm màng não mủ.. do phế cầu khuẩn = vacxin Pneumo 23
Tiêm 1 mũi
(Cứ 5 năm nhắc lại 1 lần)
Thương hàn (Typhoid) = vacxin Typhim Vi
Tiêm 1 mũi. Cứ 3 năm nhắc lại 1 lần
36 tháng và người lớn Vacxin Cúm = vacxin Vaxigrip
Vacxin được tiêm mỗi năm 01 lần, đặc biệt những người có nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh cúm. Có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
35 tháng tuổi – người lớn
01 liều = 0.5 ml/mỗi năm
06 tháng – 35 tháng tuổi
01 liều = 0.25ml/mỗi năm
(trẻ dưới 8 tuổi: chưa mắc cúm hoặc chưa tiêm chủng phải tiêm liều thứ 2 sau 4 tuần)

Lưu ý: Vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt nên nhắc lại khi 4 - 6 tuổi, 10 - 11 tuổi và 16 - 21 tuổi.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc