(VnMedia) - Măng tây tuy không phải là một thực phẩm phổ biến nhưng nó có rất nhiều giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Bạn hãy nghe lời phân tích và tư vấn của chuyên gia rồi quyết định có nên sử dụng loại thực phẩm này hay không.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng, cho biết, măng tây thường có 3 loại là: măng tây trắng, măng tay xanh và măng tây tím. Ở Việt Nam phổ biến chỉ có măng tây trắng và măng tây xanh.
Măng tây có giá trị dinh dưỡng rất cao, nó chứa nhiều chất như: chất xơ, protein, gluxit và các vitamin như: A, C, K, B1, B2, B6, axitphuric. Đặc biệt, trong măng tây có đến 1/4 khối lượng của nó chứa các chất khoáng cần thiết cho cơ thể con người như: canxi, kali, kẽm, magiê.
Giá thành của măng tây khá cao. Vì theo bà Nguyễn Thị Hồng, loại rau này tuy đã được trồng ở nhiều nơi nhưng do nó phải được trồng trong điều kiện tương đối phức tạp.
Hạt măng tây có thể nảy mầm ở nhiệt độ 20 độ C, nhưng để thân cây phát triển tốt thì phải ở nhiệt độ 25 độ C, cũng như đất trồng phải rất kén. Đất để trồng được măng tây phải có độ phì nhiêu rất cao, độ xốp lớn để cho chồi măng tây có thể nảy lên. Và khi trồng không được để úng nước, nếu không chồi măng sẽ thối. Độ PH của đất phải từ 6 - 7, độ ẩm của đất phải từ 65 - 70%.
Giá thành của măng tây khá cao nhưng nhiều người hoàn toàn có thể tiếp cận loại rau này. Do măng tây có giá trị dinh dưỡng cao nên bạn không cần phải ăn nhiều, với một số lượng lớn như các loại rau thông thường khác. Với vài cọng măng tây là chúng ta đã có thể nấu súp cho cả nhà.
Măng tây chống chỉ định cho một số trường hợp bị dị ứng, quá mẫn cảm với thực phẩm. Ngoài ra, một số người mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính cũng nên hạn chế măng tây trong bữa ăn của mình.
Măng tây là một loại rau mầm nên khi lựa chọn để nấu được món ăn ngon cần chọn loại còn tươi, thân mập mạp và ngắn.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc