Công khai đồng tính là can đảm hay tội đồ?

06:59, 27/12/2012
|

(VnMedia) - Trong lúc ngồi chờ tại trạm xe buýt, tôi tình cờ nghe được hai cô bạn sinh viên bên cạnh bàn luận về cậu bạn gay cùng lớp. Cuối cùng cô gái ngồi bên cạnh tôi kết luận: “tốt nhất là nên tránh xa thằng Pê-đê đó ra, đứng gần nó gớm lắm...”

"Lộ" cũng là một tội đồ...

Thì ra cái “gớm” của hai cô bạn nọ là do cậu bạn mình có một giọng nói “mái lạ”, những cử chỉ điệu đà và đặc biệt không thích… con gái (dĩ nhiên). Nói đến đây tôi nhận ngay ra vấn đề của cậu bạn nọ, đơn giản vì cậu không phải là “bóng kín” mà thôi. Thực tế dưới cái nhìn của xã hội, không ít người có ác cảm với những anh chàng bóng “lộ” như hai cô bạn sinh viên kia.

Cũng không thể trách họ vì theo tâm lý thường thấy thì những gì “không bình thường” đều được quy là chướng tai gai mắt, cần phải loại bỏ. Hẳn nhiên, vì có ai đó chịu bỏ chút thời gian để tìm hiểu người khác sao “lại” thế này, sao “bị” cái kia để có được một cái nhìn toàn diện về một thế giới thứ 3 (TGT3) tồn tại xung quanh mình đâu.

Với nhiều người, gay “lộ” là một trong những người sống “can đảm” nhất, hơn cả gay “kín”. Có lẽ vì đối tượng này họ ra đời và đối mặt với sự dị nghị quá sớm nên phải tự rèn luyện cho mình bản lĩnh để chống chọi lại với việc kỳ thị của xã hội. Trong khi đó, gay kín vẫn có thể “ung dung” với giới tính “trai thẳng” của mình. Trời sinh ra, mỗi người một tính cách, mỗi gay “lộ” đều có một tính cách riêng.

Có người luôn mong muốn được trở thành phụ nữ, thích trang điểm, thích ăn mặc và làm điệu như phụ nữ. Song, nhiều lúc cũng có người quá khích gây nên sự lố bịch, phản cảm như “ăn tục, nói phét”, ồn ào gây sự chú ý nơi công cộng, làm những hành động chỉ phù hợp khi trên giường hoặc thể hiện mình một cách thái quá. Chính điều này đã tự đưa họ trở thành kẻ “tội đồ” bất đắc dĩ, gây nên sự xa lánh từ xã hội.

Bởi thế, “người ngoài” có bàn tán về “lộ” bao nhiêu thì “người trong cuộc” cũng xôn xao không kém. Hoàng Hải (24 tuổi) lên tiếng: “Điều này thật nhạy cảm, nó khiến cho một “mái ấm” của chúng tôi phải chia thành hai phòng: gay “kín” và gay “lộ” để mọi người “chọn bạn mà chơi”. Thực chất ở bất cứ nơi đâu, giới tính nào cũng có người tốt và kẻ xấu. Tại sao mọi người ít khi nhìn vào mặt tốt, những gì chúng tôi làm được và cống hiến cho xã hội mà chỉ nhìn vào những khuyết điểm, mặt tối của một trong số ít trong chúng tôi để bạn tùy tiện lên án, chê bai, chửi bới. Đau chứ!”

“Tôi cũng đẹp như ai, tuy không được…“kín” lắm nhưng cũng chẳng cảm thấy hổ thẹn vì điều này, bởi tôi chưa làm gì đáng xấu hổ cho bản thân và cuộc sống cả. Và thật nực cười cho một ai đó buông câu “thà chết chứ không đứng kế bên nó”. Thật ấu trĩ.” - Minh Quốc, 28 tuổi lại bức xúc kiểu khác.

Ảnh minh họa

Gay "lộ" là can đảm hay tội đồ (Ảnh minh họa)

Can đảm lắm mới "lộ" được...

Thái Lan có lẽ là nước duy nhất trên thế giới nơi các “cậu gái” được đối xử bình thường như những người khác. Tại đất nước chùa vàng này, những chàng “bóng lộ” có thể học đại học và tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Đó là trường đại học Suan Dusit. Tại đây, các chàng “bóng lộ” được mặc đồng phục váy của nữ sinh và cư xử một cách đầy nữ tính. Họ không cần phải che giấu thiên hướng thực của mình.

Một số chàng “bóng lộ” còn làm giáo viên tại vài khoa trong trường đại học và thậm chí còn được cử đi công tác trong các đợt đào tạo của trường. “Tôi rất tự hào khi được là sinh viên tại đây” - Wittaya Jannoi, 21 tuổi, sinh viên ngành marketing cho biết. Jannoi bày tỏ hy vọng sẽ chuyển đổi giới tính sau khi học xong. “Chúng tôi, những người ở đây có thể là chính mình vì không phải che giấu gì nữa. Mẹ tôi còn nói: "Hãy tốt nghiệp đã rồi con có thể làm những gì con muốn, tôi thật sự mãn nguyện" – Jannoi nói thêm.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình từ phía các quan chức. Một số nhân vật trong Bộ Văn hóa Thái cho rằng những gì diễn ra tại trường đại học Suan Dusit khuyến khích thanh thiếu niên đang bối rối lao vào những trải nghiệm nguy hiểm. Mặc dù nhận được những lời phản đối, nhưng phó hiệu trưởng phụ trách các vấn đề sinh viên tại Suan Dusit - bà Suankaew vẫn giữ vững lập trường: “Quan điểm của chúng tôi là tất cả đều như nhau: trai, gái hay người thuộc giới tính thứ 3. Chúng tôi chấp nhận và không khinh miệt họ”.

Bà Suankaew cũng cho biết, các sinh viên thuộc giới tính thứ 3 có thể học mọi khoa trừ sư phạm. “Chúng tôi không thể để họ dạy trẻ mẫu giáo và họ chấp nhận điều đó. Đổi lại, các học sinh này phải xử sự giống phụ nữ. Chúng tôi thường nói với các em: Nếu muốn là một phụ nữ, hãy cư xử như một phụ nữ” – bà Suankaew chia sẻ. Thiên hướng từ gay “lộ” chuyển sang phụ nữ dường như chiếm khả năng tới 80-90%. Chuyện một gay nào đó nếu nhận được sự chia sẻ sâu sắc từ gia đình, xã hội thì có thể nói đó là một diễm phúc lớn nhất trong cuộc đời.

Như trường hợp bà Quỳnh (Q.1, TP.HCM) đã thấy con trai mình dần có “biểu hiện” khi còn là một cậu học sinh cấp 2. Đầu tiên là cậu rất thích sơn móng tay, sau đó là đội tóc giả, cuối cùng là những bộ váy và những chiếc “áo chip” mà cậu đã lén lút “ướm thử” của chị gái trong nhiều năm qua. Giờ đây khi bước sang tuổi 17, những thay đổi của cậu ngày càng rõ nét hơn. Dáng người mảnh dẻ, cậu ăn nói nhẹ nhàng, duyên dáng như một cô gái đã nhận thức được mình đến tuổi trưởng thành.

Vì thế, gia đình đã quyết định đưa cậu đến chuyên gia tâm lý để tư vấn xem liệu cậu có thích hợp để phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không. Đến đây thì vị chuyên gia tâm lý đã cho cả gia đình xem những tư liệu về sự biến chuyển tâm sinh lý, cũng như tuổi thọ của người sau khi chuyển đổi giới tính. Ông cho hay, có rất nhiều người đã từng hối hận đến “phát cuồng”, muốn lấy lại “cái ấy” sau một thời gian sống trong hình hài phụ nữ. Mẹ của “cậu gái” cho biết, bà không muốn con mình ở trong hoàn cảnh tương tự.

Lần đầu tiên, bà hiểu được những ảnh hưởng phụ không hề nhỏ từ việc cắt bỏ “cái ấy” như thế nào khi nghe vị chuyên gia tâm lý nọ trình bày. Bà nghẹn ngào: “Dù có là ai thì nó vẫn là con trai tôi. Nhưng ước nguyện thật sự của tôi là con trai tôi bình thường như bao người khác. Sinh ra nó đã là con trai thì hãy để nguyên như vậy. Tuy nhiên, vì hạnh phúc của con, sự quyết định cuối cùng vẫn là ở nó”.


Song Nam

Ý kiến bạn đọc