Sớm thiếu đi bàn tay chăm sóc, chở che của người mẹ và sự khuyên răn, dạy bảo của người cha nhưng 2 em nhỏ mồ côi là đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã nỗ lực vượt khó, đạt kết quả cao trong học tập.
Thương cảnh côi cút của cậu bé mồ côi
Mới 11 tuổi đầu nhưng em Cao Xuân Linh ở bản Yên Hợp (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã sớm phải gánh chịu nỗi đau, sự mất mát quá lớn khi những người thân yêu nhất đã bỏ em ra đi vĩnh viễn. Bố em là Cao Xuân Đức trong một lần đổ bệnh nặng đã qua đời. Không lâu sau, mẹ em cũng bỏ hai anh em Linh ra đi mãi mãi để lại 2 trẻ mồ côi sống cảnh bơ vơ bất vất giữa cõi đời.
Một ngày đầu đông, khí trời giữa trùng trùng rừng núi đá vôi lạnh buốt giá, chúng tôi gặp Linh tại Trường Tiểu học Yên Hợp. Linh để lại trong tôi một ấn tượng khó phai trong cái gặp đầu tiên bởi vẻ mặt thông minh, nhanh nhẹn, ngoan hiền. Cũng chính vì vậy, em luôn được các thầy, cô trong trường cũng như bạn bè quý mến.
“Cháu sẽ chăm chỉ học tập và cố gắng học thật tốt để sau này trở thành chiến sỹ bộ đội biên phòng về giúp đỡ bà con dân bản. Từ nhỏ cháu đã rất thích bộ đội, bởi các chú làm nhiều việc tốt cho bà con, các chú đưa bà con rời hang đá ra ngoài ở và còn xây nhà, làm đường cho dân, dạy cho dân cách trồng lúa nước. Có bộ đội biên phòng giúp đỡ, bà con ở đây không còn phải lo cảnh thiếu đói nữa”, cậu bé thông minh trải lòng.
Rớt nước mắt khi chứng kiến bữa cơm trưa đạm bạc của cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Cao Xuân Linh. |
Tiếng trống tan trường vừa vang lên, Linh vội vàng trở về nhà để tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm trưa vì người anh trai sáng sáng lên rẫy sớm, chiều đi về muộn. Sau chừng vài chục phút hì hục trong bếp, nhìn bữa cơm đạm bạc nấu vội với đĩa rau dại được hái từ trên rừng dọn ra, Linh tỏ ra ái ngại mời chúng tôi ăn cùng. Linh bảo, dù thức ăn không có chi nhưng em vẫn phải ăn cho đỡ đói, và để lấy sức chiều còn tiếp tục lên lớp. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhà lại neo đơn nên người anh trai của Linh là Cao Xuân Ngọc mới học lớp 9 đã phải gác chuyện học hành để lo cái ăn qua ngày và nuôi em ăn học.
Sự nghèo đói đang bủa vây cuộc sống hai anh em mồ côi nhưng Linh vẫn luôn cố gắng và phấn đấu trong học tập. Và nghị lực vượt lên số phận ấy đã mang lại cho em thành tích đáng khâm phục, bởi suốt 5 năm liền em đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến của trường. Nói về thành tích học tập, Linh liền lấy tập giấy khen mà em đã lưu giữ trong mấy năm học vừa qua ra khoe với chúng tôi. Và Linh luôn xem đó là động lực để em phấn đấu hơn trong học tập, hoàn thành ước mơ của mình.
Ước mơ trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ nghèo
Em là Cao Thị Hành ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa mồ côi cha từ nhỏ. Ba Hành mất sớm để lại cho mẹ em là chị Hồ Thị Páy (42 tuổi) phải thay chồng đảm trách mọi gánh vác trong gia đình, nuôi nấng bốn người con ăn học trong cảnh khó khăn, túng quẫn.
Chia sẻ gánh nặng gia đình cùng người mẹ sớm hôm tảo tần, dù mới 10 tuổi nhưng Hành đã phải làm các công việc trong nhà như người lớn. Ngoài thời gian học trên lớp, về nhà cô bé tranh thủ giúp đỡ mẹ những việc nhẹ trong nhà như trông em, nấu cơm, rửa bát, giặt giũ quần áo…
Hôm chúng tôi đến nhà, Hành đang hăng say giải bài tập môn Toán nhưng đứa em nhỏ khóc thét vì khát sữa mẹ, Hành lại phải tạm gác việc học, quay sang dỗ dành em. “Sau những buổi tan trường cháu thường phải về nhà lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, trông em để mẹ đi làm, buổi tối cháu còn phải ở nhà giữ em để mẹ đi học thêm lớp xóa mù cho bà con đồng bào Rục”, Hành bộc bạch.
Khó khăn là thế, vất vả là thế, nhưng suốt 5 năm qua Hành đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ, khi được hỏi về ước mơ, Hành chia sẻ: “Cháu rất muốn đi học để sau này trở thành cô giáo dạy chữ”. Tuy đang ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" nhưng nghe suy nghĩ của Hành, chúng tôi cảm thấy thán phục bởi nghị lực vượt khó của em.
Nhiều trẻ em đồng bào Rục xã Thượng Hóa đã phải gác chuyện học để theo gia đình lên nương, lên rẫy mưu sinh. Còn đối với Linh và Hành, các em đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để duy trì sự học, cố gắng theo đuổi ước mơ học tốt để thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đinh Minh Tiến - phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hợp cho biết: “Dù cuộc sống gia đình khó khăn, lại mồ côi từ nhỏ nhưng Lĩnh và Hành đã biết vượt qua số phận, chăm chỉ trong học tập. Cả 2 em đều rất chăm ngoan và học khá, nếu được bồi dưỡng tốt thì lực học của các em cũng sẽ không thua kém học sinh miền xuôi. Ở đồng bào Rục, việc vận động các em đến trường đã khó chứ chưa nói đến sự chuyên cần và chăm chỉ học tập. Những năm qua, thầy cô trong trường đã kết hợp với Bộ đội Biên phòng đi đến từng nhà vận động các em bám trường bám lớp”.
Ý kiến bạn đọc