Cách phòng tránh say tàu xe

12:17, 30/12/2012
|

(VnMedia) - Say xe là hiện tượng khá phổ biến, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Say xe gây chóng mặt, choáng váng, đứng không vững, mệt mỏi, buồn nôn... những người có tiền sử say xe rất sợ phải đối mặt với những chuyến đi dù ngắn hay dài. Vậy làm thế nào để bạn không bị say xe?

Say tàu xe còn gọi là say sóng, một hội chứng xảy ra khi di chuyển bằng tàu thuyền, xe hơi hoặc máy bay. Các triệu chứng thường gặp là người ngầy ngật, cơ thể mệt lả,chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp…

Theo Y học, say xe thường gọi là rối loạn tiền đình do di truyền. Nhiều người sai lầm vì tưởng say tàu xe là một chứng bệnh nên nhờ bác sĩ bốc thuốc để chữa dứt điểm luôn. Nhưng thực tế, say tàu xe không phải là bệnh nên không thể trị hết hẳn được....Say tàu xe chỉ là một triệu chứng nhất thời, thường chấm dứt khi chuyến hành trình kết thúc và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe.

Một số cách phòng chống say tàu xe

Ngủ đủ giấc trước ngày khởi hành

Ngủ đủ giấc là quan trọng đối với những người hay say tàu xe. Với một sức khỏe không tốt vì thiếu ngủ và lo lắng, bạn rất dễ bị say xe hoặc nôn nao.

Không ăn quá no

Trước khi đi tàu xe, bạn không nên ăn quá no hoặc hoặc uống đồ có ga có cồn . Tuy nhiên, bạn cũng đừng bước lên xe khi đang đói.

Ngồi ghế trước

Theo kinh nghiệm của những người hay say tàu xe, bạn nên ngồi phía trước xe, càng xa phần đuôi xe càng tốt. Ngồi phía trên bạn không bị ảnh hưởng những hoạt động trên xe, ngoài ra ngồi ghế trước thường không xóc, tránh sự nôn nao.

Tập trung, không bị phụ thuộc vào cảm giác

Nhiều người bị phụ thuộc vào cảm giác, nghĩ sắp đi tàu xe là có thể bị say xe. Sự tập trung khiến bạn thoát khỏi cảm giác say và hãy cố gắng nhìn vào một hình ảnh phía trước trên đường. Không nhìn phong cảnh xung quanh (khiến mắt phải làm việc nhiều hơn).

Không đọc sách báo

Không nên đọc bất cứ thứ gì khi ngồi trên xe.

Bấm huyệt nội quan

Khi say xe có thể dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan (huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay.

Dùng miếng dán cổ tay và rốn

Loại miếng dán này có hạt nhựa nhỏ để tạo áp lực lên cổ tay, giúp hành khách không bị say xe. Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng cách ấn nhẹ phần giữa hai dây chằng khoảng 3 cm và lùi về phía cùi chỏ. Dùng thêm một miếng cao giảm đau hoặc dán cao Salonpas vào rốn. Đây là cách giúp giữ ấm vùng bụng của bạn.

Thuốc chống say

Trước khi lên xe 10 - 15 phút, uống một viên thuốc chống say như thế có thể phòng tránh được say xe. Người bị say nghiêm trọng thì có thể uống 2 viên, trẻ em cho uống ít hơn.

Ngoài ra có một số mẹo nhỏ giúp bạn phòng chống say xe:

- Gừng tươi: Cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc ngồi trên xe ô tô đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi vị hăng, cay bay vào trong mũi.

- Vỏ chanh, quýt, cam: Mùi thơm của vỏ chanh, quýt, cam sẽ lấn át mùi khó chịu của ô tô giúp bạn “đánh đuổi” cảm giác say xe.

- Dấm ăn: Trước khi lên xe, bạn có thể uống một ly nước ấm có pha dấm. Làm như vậy, bạn có thể phòng chống tình trạng say xe.

- Dầu gió: Khi ngồi trên xe, lấy dầu gió bôi lên huyệt thái dương và huyệt phong trì. Cũng có thể nhỏ 2 giọt dầu gió vào lỗ rốn, sau đó lấy băng che đi là được.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc