Khoảnh khắc nỗi đau con trẻ dịu lắng

08:26, 01/10/2012
|

(VnMedia)Trong tiếng trống, tiếng nhạc của chương trình mang âm nhạc đến với các bệnh nhi, nụ cười đã nở trên gương mặt mệt mỏi vì bệnh tật. Dẫu chẳng thể làm các bé bớt đau nhưng tất thảy đều mong những lời ca tiếng hát phần nào làm dịu lắng bất hạnh.
 
Mong manh những phận người

Ảnh minh họa

Mẹ của Hiếu nhận quà Trung thu thay con trai


Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các nghệ sỹ, chúng tôi có được trải nghiệm ý nghĩa khi đến thăm, tặng quà các bệnh nhi đang điều trị tại Viện nhi Trung ương. Xen lẫn sự mệt mỏi, đau đớn của bệnh tật, niềm vui thấp thoáng trên gương mặt các bệnh nhi và người nhà, bởi hơn hết họ cảm nhận được tình cảm nồng ấm, sẻ chia của mọi người nhân dịp Tết thiếu nhi.

Đang giai đoạn truyền hóa chất vì căn bệnh ung thư xương quái ác nên Nguyễn Minh Hiếu (11 tuổi, ở khu Yên Sơn – Trúc Sơn - Chương Mỹ - Hà Nội) mệt mỏi và đau đớn lắm. Hiếu từng nhiều năm liên tục là học sinh giỏi, năm học lớp 5 vừa qua, Hiếu đoạt giải nhì cấp Thành phố kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh. Đang miệt mài, chăm chỉ đèn sách thì Hiếu buộc phải dừng lại để đi chữa bệnh.

Cha mẹ thấy Hiếu kêu đau nhức khớp xương nhưng nhà Hiếu nghèo nên lần lữa mãi Hiếu mới được đến viện khám. Khi nhập viện, khớp đầu gối bên chân trái của Hiếu sưng tấy. Các bác sỹ kết luận Hiếu bị ung thư xương, buộc phải…cưa chân. Hiếu trở thành chú lính chì một chân dũng cảm. Gần nửa năm chiến đấu với bệnh tật, tóc Hiếu đã rụng hết, lại thêm những tác dụng phụ của thuốc trị ung thư, dạ dày của Hiếu cũng trở bệnh. Đau đớn, mệt mỏi là thế, nhưng khi thấy có khách, Hiếu lễ phép ngồi dậy và chào hỏi rất ngoan. Mẹ Hiếu quay đi giấu những giọt nước mắt. Hiếu bặm môi chịu đựng đầy nghị lực.

Nằm cạnh giường của Hiếu là một bé khác cũng tên Hiếu. Bé Dương Trung Hiếu (6 tuổi, số 4, ngách 105/15 Thụy Khuê – Hà Nội) là con thứ hai trong gia đình. Bố mẹ Hiếu đều là công nhân nên cũng chẳng dư giả gì. Thấy Hiếu kêu đau nhức cơ thể, đêm đêm đòi mẹ bóp chân tay, bố mẹ Hiếu vội vay mượn cho con đi khám. Các bác sỹ kết luận Hiếu bị bệnh bạch cầu cấp.

Ba tháng nay, Trung Hiếu nằm viện để trị liệu bằng hóa chất. Đầu bé cũng trọc lốc vì tóc rụng hết. Sức khỏe Hiếu rất yếu, đang truyền dở hóa chất buộc phải dừng lại. Có khách đến thăm, mẹ Hiếu cố ghìm những giọt nước mắt, nhận quà và những lời động viên giúp con vì khi ấy Hiếu đang mê mệt ngủ sau liều thuốc tiêm.

Ảnh minh họa

Vừa ngậm ti mẹ, bé len lén đưa mắt nhìn máy ảnh


Giường bên cạnh, một bé trai khác khóc ngằn ngặt khi có khách đến bởi bé tưởng đến giờ phải tiêm thuốc. Tiếng khóc như tiếng rên khản đặc, không ra hơi. Mẹ bé bảo, bé đau nhiều quá nên khóc nhiều, chẳng còn mấy sức lực. Chừng một lát, thấy không phải bác sỹ đến tiêm, bé thôi khóc. Khách vừa đi khuất, bé rúc đầu vào ngực mẹ tìm hơi sữa. Đã hơn 2 tuổi nhưng mẹ bé chẳng thể cai sữa vì thương con ốm yếu. Được mẹ cho bú, bé thỏa thê tận hưởng giây phút thiêng liêng của tình mẫu tử, dẫu chẳng còn mấy giọt sữa trong bầu ngực đã cạn kiệt vì lo lắng. Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, vừa ngậm ti bé vừa len lén ngước mắt nhìn.

Trăm nỗi éo le bệnh nhi nghèo

Ảnh minh họa

Vi khuẩn tai ác đã "ăn" vạt cả cánh mũi bé


Gặp bé Phùng Nhân Kiên (9 tuổi, ở Ba Vì – Hà Nội) cũng với đầu trọc lốc đang tung tăng chơi đùa ngay hành lang phòng bệnh, chúng tôi chợt vui vui vì nghĩ chắc hẳn bé đang trong giai đoạn tiến triển tích cực của bệnh tật nên mới khỏe khoắn hơn các bạn khác. Chẳng ngờ, mẹ của Kiên bảo, bé chỉ có 50% tỷ lệ sống sót. Bé chưa bị mệt nhiều như các bạn khác vì thứ hai tới này bé mới bắt đầu đợt điều trị hóa chất.

Nhìn con trai vô tư nô đùa cùng chúng bạn, mẹ của Kiên thắt lòng. Người mẹ nghèo, cả đời chỉ biết quanh quẩn bên mảnh vườn, thửa ruộng ở quê đã liều lĩnh vay mượn số tiền khổng lồ ở khắp nơi để giành giật sự sống cho con. Mỗi tháng, chi phí cho bệnh tật của Kiên hết khoảng 20 chục triệu, chị đang lo vì không biết sẽ kiếm đâu ra tiền cho những tháng tiếp theo. Bệnh máu trắng của Kiên nặng lắm, vi khuẩn đã “ăn” lẹm cả hai cánh mũi cậu bé. Thấy con yếu đi từng ngày, người mẹ nghèo của Kiên cũng chẳng thể buông tay. Chị khóc khi nghĩ đến ngày sau.

Ảnh minh họa

Đã 2 tuổi nhưng Nghĩa chỉ nặng 6kg


Giữa chốn náo nhiệt của tiếng trống, tiếng nhạc trong buổi biểu diễn văn nghệ Trung thu, bé Lê Văn Nghĩa (2 tuổi, ở phòng 7 – tầng 7- Nhà A – Khoa thần kinh – Viện nhi Trung ương) được mẹ bế trên tay cũng huơ huơ cánh tay bé xíu tỏ vẻ thích thú. Bé thoáng nhoẻn cười. Nụ cười tươi trên gương mặt bệnh tật của bé khiến bất cứ ai bắt gặp cũng cảm thấy xót xa. Một bên mí mắt của bé bị sụp xuống, che gần nửa con ngươi.

Nghĩa đã 2 tuổi nhưng chỉ nặng 6 kg và không nhận thức được xung quanh. Điều duy nhất bé có phản ứng là biết cười khi ai đó trêu đùa. Chị Lê Thị Hà (thôn 8 – Hải Sơn – Hoàng Trường – Hoàng Hóa – Thanh Hóa) kể về hoàn cảnh cùng quẫn của hai mẹ con trong nước mắt: Chị Hà có mang Nghĩa được 2 tháng thì người cha của bé bỏ rơi vợ con, đi lập gia đình mới. Sinh con nhờ sự cưu mang của mẹ đẻ, Nghĩa chịu sự thiếu thốn cùng cực ngay khi lọt lòng.

Chị Hà bảo, lúc bé, thấy con sốt liên miên, mắt lim dim, đầu lắc lắc khó chịu, chị đưa Nghĩa đi khám nhưng bệnh viện tuyến dưới chẳng thể chẩn đoán bệnh tình chính xác. Mãi sau này, gặp được một người đàn ông làm trong lĩnh vực y tế tốt bụng, giúp Nghĩa chi phí cho các khoản khám xét ở bệnh viện tuyến trên, các bác sỹ mới phát hiện ra bé bị u não. Gần một năm điều trị ở Viện nhi Trung ương, bé Nghĩa vừa được mổ nội sôi u não. Chị Hà đau đớn khi nghe bác sĩ bảo cơ hội cho bé còn ít lắm. Thương con nhưng ngày lại ngày chị rơi vào bế tắc, bất lực. Vốn đã nghèo, chẳng có tiền mua sữa, mua thức ăn bổ dưỡng cho con, chị Hà càng đau lòng khi thấy bé Nghĩa ăn ít lắm, uống sữa cũng bị nôn ra.

Ảnh minh họa

Từ khi sinh ra, Khôi sống ở viện nhiều hơn ở nhà


Ở một khóc khác, bỏ mặc những náo nhiệt, bé Nguyễn Minh Khôi (3 tuổi, ở số 26 ngách 9 Cẩm Văn – Hàng Bột – Hà Nội) mải miết xúc từng thìa cháo ăn. Khôi ngồi trên đùi ông nội nhưng nhất định không để ông cầm giúp cốc cháo. Cậu bé muốn tự mình làm tất cả. Khôi đói, ăn hau háu nhưng lại chẳng được ăn no vì bệnh.

Ông nội bé Khôi kể, khôi bị bệnh tắc ruột. Mới chào đời 2 ngày, bé Khôi đã bị mổ. Bệnh này chẳng thể khỏi hẳn, Khôi phải sống chung với nó. Một tháng, có khi Khôi phải vào viện đôi lần. Mỗi đợt điều trị của Khôi khoảng 7 – 10 ngày. Các bác sỹ sẽ hụt dịch, thụt rửa ruột giúp Khôi. Mẹ Khôi mới sinh thêm em bé nên Khôi được ông bà nội chăm sóc. Ông nội Khôi buồn rầu bảo, bác sỹ nói khi Khôi lớn lên, ruột già hơn thì bệnh tình sẽ đỡ chứ không khỏi hẳn.

Chúng tôi đến thăm các bệnh nhi trong tâm trạng mâu thuẫn. Nửa muốn đến với các bé để được sẻ chia phần nào những khó khăn, đau đớn. Nửa chẳng muốn đến vì sợ cảm giác bị dằn vặt bởi lực bất tòng tâm. Nhưng sau cùng, buổi văn nghệ dịp Trung thu vẫn diễn ra trong không khí vui vẻ. Dẫu chẳng thể làm các bé bớt đau trong cơn hành hạ của bệnh tật nhưng tất thảy chúng tôi mong những lời ca tiếng hát phần nào dịu lắng những bất hạnh.
 


Bảo Nhi

Ý kiến bạn đọc