(VnMedia) - Thực phẩm đông lạnh đang tràn ngập tại các siêu thị và ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng loại thực phẩm này cho đúng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, muốn biết thuỷ hải sản đông lạnh có đảm bảo chất lượng hay không thì phải để sản phẩm sau thời gian tan giá, khi tôm cá trở về trạng thái bình thường.
Không giống với thủy sản được bày bán ở chợ, tôm, cá tại các cửa hàng, siêu thị được đánh bắt trước đó vài ngày rồi vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dụng đến nơi bán. Do đó, độ tươi của tôm, cá sẽ phụ thuộc vào mức độ đông lạnh trong quá trình vận chuyển và bày bán. Nếu được vận chuyển đúng cách, chất lượng của chúng hầu như không thay đổi so với hàng tươi ngoài chợ.
Khi mua cá đông lạnh, bạn phải kiểm tra kỹ bao bì để đảm bảo rằng chúng chưa bị mở hoặc bị xé rách, kiểm tra hạn sử dụng, tốt nhất chúng ta nên tìm mua những mặt hàng có hạn sử dụng tốt nhất trước 1 tháng. Và nếu bao bì trong suốt, có thể nhìn thấy bên trong thì cần quan sát lớp tuyết hoặc đá đông bên trong cũng như là trạng thái của sản phẩm, không nên chọn những phần cá có lớp tuyết dày hoặc lớp đá quá cứng vì điều này chứng tỏ cá được để quá lâu ngày hoặc đã bị rã đông rồi để đông lại.
Một điều cần biết là tránh mua những loại cá có dầu. Không phải mọi loại cá đông lạnh đều tốt. Những loại cá có nhiều dầu như cá ngừ hoặc cá kiếm thường không thích hợp với việc để đông lạnh.
Khi rã đông, nên để thủy hải sản trong ngăn mát qua đêm. Nếu cần dùng nhanh, với tôm hoặc cua bạn có thể đặt chúng dưới vòi nước lạnh, không nên rã đông tôm bằng lò vi sóng. Còn với cá đông lạnh, để cá được ngon hơn, khi muốn rã đông bạn hãy lấy cá ra khỏi ngăn làm đông trước, sau đó để vào ngăn dưới của tủ lạnh trong vòng 24 giờ trước khi cần chế biến món ăn.
Khi rã đông, tránh nhúng cá vào nước nóng hoặc để cá trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời vì có thể làm vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Hải sản đông lạnh cần thời gian dài để rã đông, như vậy mới đảm bảo được hương vị và dinh dưỡng.
Không nên tái đông thủy hải sản. Vì thủy hải sản có thể bị hỏng kể cả khi vẫn chưa có mùi vị bất thường. Những loại thủy hải sản đông lạnh nên đun, nấu ở nhiệt độ cao. Bởi dù được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C, nhưng đó là phương pháp làm chậm quá trình phát triển của vi sinh vật. Cho nên, nếu trong môi trường, nhiệt độ không thích hợp thì sẽ rất dễ tạo điều kiện sống cho vi sinh vật. Vì thế, chúng ta không chỉ lưu ý trong quá trình bảo quản, rã đông, mà còn trong cả quá trình chế biến nữa.
Khi bảo quản thủy hải sản đông lạnh ta không nên để chung với thực phẩm đã nấu chín. Bởi như thế mùi tanh của thủy hải sản sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của món ăn đã chế biến đó. Tôm đông lạnh chỉ nên chiên nấu ở nhiệt độ cao, không nên hấp, luộc. Cá đông lạnh thì không nên rán.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc