Những nỗi đau thầm kín bắt nguồn từ “cậu nhỏ”

06:49, 27/07/2012
|

(VnMedia) - “Cậu nhỏ” cũng như bao cơ quan khác trong cơ thể của cánh mày râu có thể gặp bất kì chuyện bất trắc nào. Nếu chúng ta phát hiện sớm thì đôi khi đây lại là chuyện nhỏ nhưng ngược lại có thể nó sẽ để lại cho bạn một nỗi đau và sự hối tiếc suốt cả đời, đó là bệnh vô sinh.

Nguyên nhân vô sinh từ “cậu nhỏ”

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nam giới bị chứng vô sinh chủ yếu là do một hoặc nhiều lý do sau: tỷ lệ tinh trùng trong tinh dịch quá thấp, tinh trùng quá yếu không đủ sức di chuyển về phía trứng của người phụ nữ, tinh trùng dị dạng, rối loạn về tình dục và phóng tinh, dị tật bẩm sinh, bệnh lý toàn thân, giãn tĩnh mạch thừng tinh, không có tinh trùng do tắc nghẽn, nhiễm trùng tuyến sinh dục phụ...

Tình trạng tinh trùng ít, vận động kém là nguyên nhân phổ biến, thường gặp nhất. Nó có liên quan đến những cǎn bệnh di truyền và mắc phải của nam giới. Chẳng hạn như các trục trặc hay khiếm khuyết về cơ cấu di truyền có liên quan đến giới tính và bộ máy sinh dục nam, hoặc do di chứng của bệnh quai bị để lại, do virut cũng để lại di chứng gây kém về chất lượng và suy giảm về số lượng các tế bào tinh trùng.

Hiện nay, cách chẩn đoán vô sinh nam dựa trên kết quả của tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn của WHO gồm các chỉ số về thể tích dịch, mật độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng... Nếu tiến hành xét nghiệm trong một khối tinh dịch thấy số lượng tinh trùng chỉ đạt dưới 300.000 con thì được xếp vào nguyên nhân tinh trùng yếu.

Giãn tĩnh mạch tinh là thủ phạm chủ yếu gây nên số lượng tinh trùng ít. Hiện tượng giãn tĩnh mạch tinh làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên, bình thường nhiệt độ tinh hoàn khoảng 35 độ C, nếu tăng lên 1 độ C thì số lượng tinh trùng sẽ giảm khoảng 30%.

Căn bệnh này gây ứ máu tĩnh mạch làm cho việc chuyển hoá máu tại các tế bào nhu mô tinh hoàn bị ứ lại, lâu ngày gây ngộ độc tế bào tinh hoàn, đặc biệt tế bào sinh tinh, làm quá trình sản xuất tinh yếu đi. Hơn nữa, ứ máu làm cho việc nuôi dưỡng tế bào bị kém đi.
 
Tất cả những yếu tố này làm rối loạn hệ thống nội tiết điều khiển việc sản xuất và nuôi dưỡng tinh trùng. Triệu chứng của bệnh âm thầm phát triển, chỉ đến khi gây khó chịu, hoặc đau tức, tình dục kém, bìu nổi tĩnh mạch thì người bệnh mới biết.
 
Ngoài ra bệnh nhân còn đau tức tại tinh hoàn, đau một cách mơ hồ, rất khó xác định vị trí đau cụ thể, đau nhiều khi mệt mỏi hay nắng nóng. Tinh hoàn có thể bị nhỏ đi so với bên bình thường. Ngoài gây tác động đến sinh sản, gây vô sinh bệnh nhân còn bị rối loạn sinh lý tình dục.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Gặp “vấn đề” không nên quá bi quan   

Nam giới thường hay ngại ngùng khi chia sẻ cùng mọi người về những vấn để tế nhị . Họ thường âm thầm dấu và cảm thấy mặc cảm khi các vấn đề của mình không được hoàn hảo. Nên hầu hết các chàng nam giới khi có vấn đề gì mà đã tìm đến viện thì bệnh đã nặng.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, những bất thường ở “cậu nhỏ” có thể do bẩm sinh cũng có thể do quá trình khôn lớn trưởng thành bị mắc phải. Khi nam giới gặp “vấn đề” không nên quá bi quan mà hãy sớm đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm các biện pháp khắc phục kịp thời và hợp lý.

Giải pháp dùng tinh trùng hiến tặng chỉ là phương án cuối cùng. Điều quan trọng là khi thấy hiếm muộn, các cặp vợ chồng không nên quá lo lắng, gây áp lực và căng thẳng cho cuộc sống và công việc, khiến khả năng thụ thai càng mong manh. 
 
Chỉ trong trường hợp vô sinh nam tuyệt đối, có nghĩa là vắng bóng hoàn toàn cả tinh trùng lẫn tế bào tiền tinh trùng thì mới phải thực hiện theo phương pháp đi xin tinh trùng của người cho. Khi đó phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vấn đề đạo đức học.  

Một số yếu tố dễ dẫn đến chứng vô sinh ở nam giới cần lưu ý

Uống rượu bia hoặc dùng ma túy (nồng độ cồn trong rượu làm giảm lượng hormon sinh dục testosterone ở tinh hoàn), hút thuốc lá, bị béo phì, bị các bệnh lây truyền qua đường sinh dục, sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam.

Một số thói quen sinh hoạt làm tăng nhiệt độ tinh hoàn dẫn đến việc giảm khả năng sản xuất tinh trùng như: mặc quần áo, đồ lót quá chật làm đôi tinh hoàn bị bó vào người, ngồi nhiều (trên xe hơi, làm việc trong văn phòng), tắm hoặc ngâm người trong nước nóng quá lâu...

Các công việc đòi hỏi phải tiếp xúc quá lâu với các kim loại như: chì, kẽm, sắt, tia X; làm việc trong môi trường bị ô nhiễm bởi các khí thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, khói xe; sử dụng các chất bôi trơn có nguồn gốc từ dầu mỏ làm tinh trùng bị tê liệt và chết; bị stress trong đời sống hiện tại...


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc