Cách tránh cá mập cắn khi tắm biển

11:45, 18/07/2012
|

Hàng loạt các vụ cá dữ tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) khiến dư luận lo lắng về khả năng bị cá mập cắn khi tắm biển. Theo các chuyên gia, người đi tắm biển cần có những hiểu biết về đặc tính sinh học của các loài cá mập để phòng tránh.

 

Vùng nào của biển Việt Nam cũng có thể có cá mập

 

TS Nguyễn Kiêm Sơn, phòng Tài nguyên Môi trường nước, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, việc cá mập xuất hiện và cắn người 2 năm gần đây là một hiện tượng bất thường. Nguyên nhân có thể là do biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên làm cho cá phải dịch chuyển từ phía nam Trường Sa về gần bờ. Vì đặc điểm sinh thái của loài cá mập là chỉ sống ở những vùng đại dương nước sâu.

 

Cá mập ở Việt Nam sống chủ yếu ở các vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng trở vào, vì đó là vùng có độ sâu và nhô ra ngoài biển Đông hơn cả. Ở vùng biển này, người dân thường khai thác cá mập lấy vi, nhưng cũng chỉ khai thác được vùng biển từ Quảng Ngãi đến Nha Trang, thuộc phía nam Trường Sa. Vùng biển phía bắc cũng có cá mập nhưng ít hơn, tần số xuất hiện cũng thưa hơn.

 

Để không bị cá tấn công

 

ThS Võ Văn Quang - Phó phòng Động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, dựa trên đặc tính sinh thái của cá mập thì có thể phòng tránh việc bị cá mập cắn.

 

Không nên tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù. Không bơi ra xa một mình hoặc không tắm ở những bãi biển quá vắng người. Không mặc những đồ có màu sắc và hình dạng lấp lánh giống như vảy cá vì sẽ thu hút sự chú ý của cá mập. Khi trên người có vết xước hoặc chảy máu thì không tắm biển hoặc chỉ tắm ở gần bờ. Cá mập có khả năng đánh hơi mùi máu tốt với một khoảng cách xa đến vài km.

 

Ngoài ra, thời điểm tắm biển cũng khá quan trọng. Không tắm biển vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc và lúc chiều tối khi mặt trời đã tắt.

 

Cụ thể là trước 6 giờ sáng và sau 6 giờ chiều thì không nên tắm do cá mập có thói quen săn mồi mạnh nhất vào những thời điểm này. Phần lớn những người nghi là bị cá mập tấn công cũng thường tắm biển vào thời điểm này. Những loài cá tấn công người không nhiều, chỉ có một vài loài hung hãn như cá mập trắng lớn, cá nhám hổ, cá mập trâu mắt trắng...

 

TS Nguyễn Kiêm Sơn cũng cho biết, cá mập phát hiện ra con mồi bằng nhiều giác quan như sóng âm, nhịp tim, chuyển động mặt nước, quan sát màu sắc ánh sáng... Điều đó lý giải vì sao những người đi mò ngọc trai xưa kia thường vẽ lên mình những hình thù vằn vện để tránh sự tấn công của cá mập. Không nên tắm biển một mình ở nơi vắng vẻ, những người bị thương thì chỉ tắm gần bờ.

 

Đặc biệt là những ngày biển động, gió biển nhiều thường làm cá mập dạt vào bờ, người dân nên tránh tắm vào thời điểm này. Cá mập rất hiếm khi tự nhiên tấn công người. Vì thế, nếu chẳng may gặp cá mập thì đầu tiên là nên giữ bình tĩnh. Tim đập mạnh sẽ làm cho cá mập tiếp nhận được sóng âm và nghĩ rằng đó là con mồi để lao tới.


(theo Bee.net)

Ý kiến bạn đọc