Làm gì để tránh xung đột với đồng nghiệp?

13:21, 16/02/2012
|

(VnMedia) - Tại công sở, không thể tránh khỏi chuyện đôi khi giữa bạn và đồng nghiệp nảy sinh xung đột. Mâu thuẫn với đồng nghiệp có thể làm bạn rất khó chịu, và nếu bạn không biết cách giải quyết nó sẽ ảnh hưởng đến công việc của cả hai bên.


 Ảnh minh họa

 

Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu những bất đồng xuống mức thấp nhất để giữ được mối quan hệ vui vẻ, thoải mái nơi công sở?

 

Không nên chỉ trích công khai

 

Chỉ trích công khai, chỗ đông người khó có thể thay đổi thái độ của đồng nghiệp, thậm chí có thể làm người đó còn làm căng để giữ thể diện của mình. Mặt khác, bạn cũng nên tránh các cuộc cãi vã nơi công cộng. Bạn có thể từ chối cuộc tranh luận giữa đám đông như: “Để tôi suy nghĩ thêm về vấn đề này và nói chuyện với ban sau”; “Bây giờ không phải lúc để bàn đến chuyện đó”.

 

Đặt mình vào vị trí của đồng nghiệp
 

Bạn thử tìm hiểu xem phong cách, tác phong làm việc của đồng nghiệp có thể giúp bạn cộng tác với họ hiệu quả hơn. Ngoài việc chú ý đến sở thích, cách chọn trang phục, đầu tóc, giày dép..., bạn nên cố gắng tìm hiểu xem họ có áp lực gì phải đối mặt. Sự tìm hiểu ấy giúp bạn cảm thông và khoan dung hơn với đồng nghiệp, và tránh được xung đột xảy ra.


Tránh hiểu nhầm


Sự hiểu nhầm thường là nguyên nhân gây ra những xung đột. Mỗi người có thể nắm bắt thông tin khác nhau, nhiều điểm không thống nhất khiến bạn và đồng nghiệp bất đồng quan điểm và dẫn đến xung đột. 
Do vậy, mọi việc nên được nêu rõ trong một cuộc họp có đầy đủ mọi người. Phân công rõ trách nhiệm, phần việc, vị trí...cho mỗi người một cách rõ ràng, tránh nhầm lẫn và hiểu sai vấn đề.

 

Biết lắng nghe


Lắng nghe một cách chủ động và cởi mở khi đồng nghiệp của bạn giải thích có thể giúp bạn hiểu thêm về những thông tin quan trọng đem lại giải pháp cho bất đồng bạn đang gặp phải. Hoặc bạn có thể giúp đồng nghiệp một vài lời khuyên mà họ đang cần. Không khí cởi mở, thân thiện sẽ giải quyết vấn đề tích cực hơn.


Không ngắt lời

 

Ngắt lời thực sự chỉ làm kéo dài cuộc nói chuyện vì ban đầu người đối thoại với bạn tưởng rằng bạn không nghe họ và rồi sau đó lại nghĩ bạn không hiểu ý, hoặc coi thường họ… Sự lặp đi lặp lại khi trò chuyện làm cho quan hệ hai bên thêm xấu đi.


Sẵn sàng thay đổi quan điểm


Đó là điều khó khăn nhất đối với một cuộc tranh luận, vì ai cũng muốn phần đúng thuộc vè mình
. Tuy nhiên, nếu bạn là người cởi mở, thì nhận ra cái sai của mình lại là một cách học hỏi tốt, và điều đó giúp củng cố mối quan hệ với đồng nghiệp.

Trong các môi trường năng động, sự bất đồng chính kiến trong giải pháp là bằng chứng cho thấy sự cạnh tranh của các nhân viên, và đó là nơi mà các mối quan hệ đồng nghiệp được thử thách. Điều cần lưu ý là làm sao để các mối quan hệ của bạn và đồng nghiệp được củng cố chứ không phải bị yếu đi qua việc bày tỏ các chính kiến khác nhau.
 

 

Giải quyết xung đột


Khi có xung đột xảy ra, bạn hãy cố gắng giải quyết tình hình ổn thỏa một cách nhanh chóng. Mọi việc sẽ càng đi xa nếu bạn không giữ được bình tĩnh. Cách tốt nhất là hãy ngồi lại cùng nhau trong một cuộc họp ngắn gọn, để cùng tìm ra hướng giải quyết. Cố gắng bỏ qua mọi chuyện và cùng bắt tay nhau hợp tác trong tương lai.


Nơi công sở phức tạp và không thể tránh khỏi những xung đột. Công sở luôn tồn tại nhiều kiểu người, kể cả những thành phần khó tính, khiếm nhã, bảo thủ... và trong những tình huống không thể hòa giải, hãy nhờ đến quản lý để được tư vấn, giúp đỡ.

 

Trước khi giải quyết mẫu thuẫn bạn nên lưu ý:


- Không nên có phản ứng quá gay gắt. Lời lẽ nhẹ nhàng, mềm mỏng lại chính là cách giúp bạn giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

- Bạn cần tập trung vào mấu chốt vấn đề.

- Hãy cho đồng nghiệp biết bạn sẵn sàng lắng nghe họ nói, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ nghe theo tất cả yêu sách của họ.

- Chấp nhận thực tế chín người mười ý, bạn không thể nào cùng lúc được lòng mọi người.

- Đừng quên, lãnh đạo cũng là người giúp bạn dàn xếp thỏa đáng các mâu thuẫn. Hãy đem những khúc mắc ra bàn với sếp và xin vài lời khuyên.


Diệu Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc