Biến thành "con người khác" khi lên giường khiến nửa kia của nhiều người nghi ngại và quá sốc. Thậm chí, họ đặt nghi vấn về tư cách, phẩm hạnh của bạn đời khi nhìn thấy những biểu hiện này.
Các chuyên gia cho rằng, phòng the là chốn riêng tư, để hai người có thể sống thật và bộc lộ thoải mái nhất, nên chuyện phán xét đánh giá nhau khi ở trên giường là điều không nên.
Phát hoảng vì chồng biến thành người khác
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Bình (phố Chùa Láng, Hà Nội) tỏ ra khá bức xúc: "Gần đây tôi thấy ông xã đòi hỏi chuyện vợ chồng với kiểu lạ trái khoáy, khác hẳn với những tư thế trước đây. Tôi không quen với cái kiểu "hư hỏng" đó nên thấy rất bức bối, xấu hổ và ấm ức nữa. Cảm giác như mình đang phải làm nô lệ cho chồng vậy. Tôi không còn hứng thú với chuyện gối chăn vì cứ nghĩ chồng mình chắc mới học được những chiêu "hư hỏng" đó từ gái làng chơi. Cùng lúc tôi phải chịu hai sự ấm ức vì nghĩ mình bị phản bội và phải chịu cảnh để chồng yêu theo kiểu... bệnh hoạn".
Anh Trần Thế Ninh (thị xã Phủ Lý, Hà Nam) thì tâm sự: "Vợ tôi là người có học thức, dịu dàng, nữ tính, vậy mà càng sống với cô ấy tôi càng thấy sốc mỗi khi vợ chồng "đi lại" với nhau. Cô ấy biến thành một người khác hẳn, động tác thô bạo, nói năng lảm nhảm. Thậm chí, cô ấy không thấy ngại khi nói những lời tục tĩu khiến tôi thấy ghê ghê. Chẳng hạn như lời như thế này đã là hệ "nhẹ tông" so với những lời cô ấy thường hay nói: "Nếu không muốn bị giết chết thì sao lại cứ ăn mặc kiểu mời gọi thế này?". "Đúng là điệu ếch vồ"... Nhưng sau mỗi lần "hết hiệp" cô ấy lại trở thành người phụ nữ ngoan, hiền. Tôi chẳng hiểu tại sao cô ấy lại có cuộc sống phân thân như vậy? Hay cô ấy học được từ đâu? Nhiều lúc không lý giải được tôi cứ phải lén nhìn những hành động thường ngày của cô ấy để phân tích xem có điều gì bất thường hay thần kinh của cô ấy có vấn đề gì không".
Tránh phán xét để được thăng hoa nhiều hơn
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Trọng Thích, Trung tâm y tế bác sĩ Nguyễn Quang Hồng, Hà Nội, cho biết: "Không hiểu những cặp đôi nói trên "yêu" theo những cách gì nhưng tôi đoán rằng nó chỉ là chút thay đổi so với cách "cổ truyền" mà mọi đôi vợ chồng vẫn thực hiện như vậy để xóa đi sự nhàm chán. Việc "ân ái" thế nào, thường xuyên hay thưa thớt... là việc riêng tư của mỗi cặp vợ chồng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cuộc sống lứa đôi, các cặp đôi rất cần sự sáng tạo, đổi mới để cuộc sống lứa đôi thêm thú vị, nồng ấm.
Mọi tư thế, kiểu cách đều không thể gọi là "bệnh hoạn" nếu như nó được sự đồng ý của hai người, nó mang lại sự hài lòng cho nhau, không xúc phạm đến danh dự, nhân cách của nhau. Việc thay đổi cách "yêu" ở vợ/chồng có thể là một điều tốt lành bởi nó cũng đem lại những cảm xúc mới lạ cho đối tác. Nếu thấy điều đó không quá đáng, thì nửa còn lại cứ nên ủng hộ. Biết đâu khi cùng nhau hợp tác nửa kia còn thầm cảm ơn bạn đời hoặc nói ra bằng lời những lời có cánh: "Có bí quyết làm không cho em/anh biết sớm".
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trọng Thích, việc chồng/vợ học được ở đâu không quan trọng. Ngày nay những thông tin về lĩnh vực phòng the không còn là điều cấm kị nên vợ/chồng có thể đọc sách báo, hoặc thông qua trao đổi trò chuyện với bạn bè mà hiểu biết thêm. Đừng vì những nghi ngờ không có bằng cớ mà làm thui chột một cảm xúc mới đang hé ra trong cuộc sống phòng the của mình.
Về sự thay đổi phong cách "yêu" của vợ anh Trần Thế Ninh được chuyên gia tư vấn Phạm Thị Vui, Trung tâm tư vấn SKSS/SKĐS và nhi khoa Hiếu Thảo lý giải rằng: "Trong con người có phần bản năng thường bị kìm nén và phần ý thức thường kiểm soát, điều chỉnh mọi hành vi. Khi phần "ý thức" mạnh, sẽ lấn át, đè bẹp phần "bản năng".
Ngược lại, trong thời khắc nào đó, phần ý thức bị lơi lỏng, thì phần bản năng, tức là phần dục vọng trỗi dậy. Một phụ nữ dịu dàng, nữ tính như vợ của anh Ninh, rất có thể phần dục vọng bị đè nén quá mức. Chỉ trong hoàn cảnh bị kích thích mạnh mẽ, đầu óc có phần "mê muội", ý thức khó kiểm soát, thì người đó mới có dịp "bung ra" để xả bớt bức xúc, kìm nén".
Phòng the là chốn người ta sống thoải mái nhất, thật lòng nhất với chính mình. Đây cũng là nơi người ta giải thoát mọi ưu tư, phiền muộn, yêu thương, hờn giận, chứ không phải là nơi người ta phải quá giữ mình hay xét nét từng lời ăn tiếng nói của nhau. Vì vậy, khi chồng/vợ muốn "cải thiện" tình hình thì cứ chấp nhận và dành thời gian, tâm trí cho việc tận hưởng hạnh phúc vợ chồng.
Còn nếu muốn đối phương "đạo đức" hơn, trong lúc vợ chồng gần gũi chỉ nhắc nhẹ rằng "em/anh nói năng ghê quá làm anh/em sợ" hay "Em muốn anh thân mật hơn là sử dụng những chiêu thức thiếu gần gũi". Tuy nhiên, trước khi nhắc khéo cũng cần cân nhắc một chút vì rất có thể sau lời nhắc ấy, anh ấy/ cô ấy trở thành một người ít hào hứng, kém nồng nhiệt, vì lúc nào cũng phải "giữ đạo đức" liệu bạn có thấy thiệt thòi?
(Theo GĐ&XH))
Ý kiến bạn đọc