Mùa lạnh, cẩn thận viêm khớp đột qụy

10:29, 09/01/2012
|

Viêm khớp và đột quỵ gây khó khăn và biến chứng đáng ngại cho người mắc phải. Đối với người cao tuổi, có biện pháp phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này sẽ giúp tránh bị tàn phế và nâng cao chất lượng sống. 

Viêm khớp - gây tàn phế

Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh khớp thường gặp trong mùa đông. Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (viêm cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân...) và diễn biến kéo dài.

Bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 0,3% - 0,5% dân số, trong đó 80% là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên. Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp như khớp cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân... và diễn biến kéo dài.

Người mắc bệnh thường bị cứng khớp vào buổi sáng, khó cử động các khớp và kéo dài hằng giờ. Đặc biệt vào mùa đông, khi thời tiết vừa ẩm thấp, lại lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém làm khớp bị loạn dưỡng và gây đau, tê cứng... Nếu không biết cách vận động và tự giảm đau, dễ dẫn tới đau nhức toàn thân. Bệnh âm ỉ kéo dài, triệu chứng chung là đau mỏi các khớp thường kèm theo các rối loạn khác như rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, ăn uống kém...

Theo các bác sĩ khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân gây đau khớp là do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ, các yếu tố gây bệnh là phong - hàn - thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc - cơ - khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông gây ra sưng đau, hoặc không sưng mà chỉ đau tê mỏi nặng ở một khu vực khớp xương hoặc toàn thân. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên đau.

Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.

Hiện chưa có thống kê chính xác nhưng ở Việt Nam có hàng trăm nghìn người bị viêm khớp. Đây là một trong những dạng bệnh mạn tính có tỷ lệ tàn phế cao nhất và thực tế có rất nhiều người đã trở nên tàn tật ở những mức độ khác nhau, dẫn đến giảm và mất khả năng lao động sinh hoạt. Do đó, những người bị bệnh viêm khớp, khi trời lạnh, điều cần làm đầu tiên chính là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh, mưa phùn.

Đột qụy - nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật

Theo Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não, tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) mới và hơn 100.000 người trong số đó tử vong. Đột quỵ đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư và dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật.

Theo GS.TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não Việt Nam, đột quỵ là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh thường gặp nhất là liệt nửa người, méo miệng, méo tiếng. Bệnh xảy ra đột ngột do tắc hặc vỡ mạch máu não. Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong hoặc bị các di chứng như yếu liệt chân tay hoặc yếu liệt nửa người, giảm thị lực, nói khó khăn, khả năng phán đoán giảm sút...

Đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi có sẵn bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não. Để phòng tránh đột quỵ nhất là người già không nên ra lạnh đột ngột, điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị tiểu đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol cùng với triglyceride máu.

Tuy nhiên, GS. Thành cho biết, đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá;... Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để tận dụng thời gian vàng của não.


(Theo GĐ&XH)

Ý kiến bạn đọc