Khi virus Zika nhanh chóng lây lan và bùng nổ ở châu Mỹ, kèm theo sự tăng lên một cách rõ rệt số lượng các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ, tin đồn về loại virus và chứng bệnh này cũng theo đó được phóng đại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một tuyên bố đính chính và xóa tan những tin đồn xung quanh loại virus truyền qua muỗi này.
Hiểu lầm 1: Chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là do vắc-xin gây ra
WHO khẳng định không hề có bằng chứng nào cho thấy chứng đầu nhỏ hay teo não ở trẻ sơ sinh là do vắc-xin gây ra.
Tuyên bố cũng cho biết không có mối liên hệ giữa việc tiêm vắc-xin và sự gia tăng các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ lần đầu được ghi nhận tại Polynesia thuộc Pháp trong giai đoạn 2013 – 2014 và trong thời gian gần đây tại Đông Bắc Brazil.
Trong khi đó, một nghiên cứu chi tiết hơn xuất bản vào năm 2014 cũng cho thấy không có bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa vắc-xin trong giai đoạn thai kỳ dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn vắc-xin cũng đã đi đến kết luận tương tự vào năm 2014.
Hiểu lầm 2: Thuốc diệt ấu trùng muỗi Pyriproxyfen gây ra chứng đầu nhỏ
Sau khi xem xét các dữ liệu về những tác động tiêu cực của Pyriproxyfen, một nhóm các nhà khoa học của WHO cho biết họ không tìm được dấu hiệu nào cho thấy Pyriproxyfen gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai hoặc sự phát triển của thai nhi.
Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu cũng đưa ra kết luận tương tự khi họ tiến hành một nghiên cứu độc lập trên sản phẩm diệt ấu trùng này.
Ở những vùng không có nước máy, người dân có thói quen lưu trữ nước uống trong các thùng chứa ngoài trời. Đây cũng chính là một trong những khu vực lý tưởng để muỗi sinh sôi.
Do vậy, hóa chất Pyriproxyfen thường được sử dụng trong các bình và vại chứa nước để tiêu diệt muỗi trong giai đoạn ấu trùng.
Khi sử dụng nước uống từ các bình chứa này, người dân sẽ tiếp xúc với Pyriproxyfen nhưng với hàm lượng rất nhỏ và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thêm vào đó, 90 – 95% thành phần các loại thuốc diệt ấu trùng này sẽ được bài tiết khỏi cơ thể trong vòng 48 giờ.
Hiểu lầm 3: Việc thả loại muỗi biến đổi gen (GM) vào môi trường sống có liên quan đến dịch bệnh Zika bùng nổ và sự gia tăng các trường hợp đầu nhỏ ở Brazil.
WHO khẳng định việc thả thử nghiệm muỗi GM vào môi trường sống không phải là nguyên nhân gây ra dịch bệnh Zika hay chứng đầu nhỏ. Đây chỉ là một phương pháp mới nhằm kiếm soát muỗi bằng việc biến đổi gen muỗi đực, khiến ấu trùng của chúng không thể sống sót sau khi giao phối với muỗi cái.
Hiện WHO đang khuyến khích các nước bị ảnh hưởng thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp kiểm soát muỗi và thử nghiệm mới trong tương lai.
Biện pháp phòng tránh
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
Ý kiến bạn đọc