Tăng giá viện phí: Người bệnh chịu tác động như thế nào?

07:15, 19/02/2016
|

(VnMedia) - Bộ Y tế vừa có công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 37 về thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng.

Ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh viện phí vẫn được chia thành 2 giai đoạn. Từ ngày 1/3, mức giá 1.887 dịch vụ được điều chỉnh theo hướng tính thêm phụ cấp đặc thù, chi phí trực tiếp vào cơ cấu giá. Tức là người bệnh không phải trả hay tự mua một số vật tư, hóa chất, thuốc đặc thù như khi chưa tính vào giá.

Theo ông Liên, từ 1/3, khi tính thêm chi phí phẫu thuật, thủ thuật, giá viện phí sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay; từ ngày 1/7/2016, khi tính thêm tiền lương, giá viện phí sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Viện phí mới này trước mắt sẽ áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT. Với người không có thẻ BHYT - chủ yếu là lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm khoảng 25% dân số) - vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Đến ngày 1/7, giá các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế” - ông Liên nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng nếu tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho đối tượng này nên cần có độ lùi. Thay vào đó, trước thời điểm áp dụng viện phí mới, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHYT.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT. Theo bảng giá này, ngoài các chi phí trực tiếp và tiền lương, dự kiến còn có chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Những dịch vụ nào tăng giá?

Theo quy định mới, tiền khám bệnh được áp dụng từ thời điểm 1/3 tới không thay đổi so với khung giá “kịch trần” của Bộ Y tế đang được các bệnh viện áp dụng.

Cụ thể, tiền khám bệnh ở Bệnh viện hạng I là 20.000 đồng/lượt, Bệnh viện hạng II 15.000 đồng, Bệnh viện hạng III 10.000 đồng và Bệnh viện hạng IV 7.000 đồng. Từ ngày 1/7, khi “gánh” thêm lương nhân viên y tế, tiền khám bệnh sẽ tăng lên tương ứng với các hạng bệnh viện nêu trên là 39.000 - 35.000 - 31.000 và 29.000 đồng.

Điều đáng quan tâm nhất là cũng từ ngày 1/7, tiền giường điều trị sẽ tăng cao. Cụ thể, tiền giường bệnh nội khoa Bệnh viện loại 1 (truyền nhiễm, hô hấp, ung thư, nhi, tiêu hóa, tim mạch…) hiện nay là 80.000 đồng/ngày sẽ tăng lên 215.000 đồng; giường loại 2 (cơ xương khớp, da liễu, dị ứng, mắt, tai mũi họng...) từ 65.000 đồng lên 192.300 đồng; giường hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng.

Ngoài ra, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng giá từ ngày 1/7. Cụ thể, giá nội soi dịch vụ có sinh thiết từ 410.000 đồng tăng lên 525.000 đồng vào thời điểm 1/3 và 621.000 đồng vào thời điểm 17. Giá nội soi ổ bụng cũng tăng lần lượt từ 575.000 đồng lên 684.000 đồng và 793.000 đồng; giá dịch vụ đỡ đẻ thường từ 525.000 đồng lên 567.000 đồng và 675.000 đồng. Nhiều dịch vụ tăng tiền triệu với mức giá gấp đôi hiện hành, như phá thai to (13-22 tuần tuổi) từ 430.000 đồng lên 877.000 đồng và 1 triệu đồng…

Người bệnh chịu tác động như thế nào?

Đánh giá về lộ trình điều chỉnh viện phí, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng mục tiêu là để người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất.

“Phần lớn chi phí đã được BHYT thanh toán nên sự tác động của việc điều chỉnh tăng viện phí tới đây đối với người dân là không đáng kể” - ông Khuê nhận định.

Cụ thể, nhóm được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khám chữa bệnh được thanh toán 100% là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng.

Còn nhóm được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia bảo hiểm y tế là người cận nghèo, khi đi khám được bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, đồng chi trả 5% nên tác động không nhiều.

Còn nhóm đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng nhưng mức động không nhiều. Do trước đây chưa tính đủ giá còn phải trả thêm, nay tính đủ sẽ không phải trả thêm. Từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng một khi tiền lương được tính vào viện phí, tức là người bệnh trả lương cho cán bộ y tế, thì bất kỳ bệnh viện nào cũng phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ... “Bệnh viện nào có dịch vụ y tế không tốt, bệnh nhân không tin tưởng và không đến khám, không được cơ quan BHXH ký hợp đồng khám chữa bệnh thì bệnh viện đó có nguy cơ bị đóng cửa” - ông Liên cảnh báo.


Ý kiến bạn đọc