Cũng là một liệu pháp miễn dịch nhưng việc phát triển vắc xin chống ung thư không đơn giản. Các nhà nghiên cứu đã nỗ lực phát triển vắc xin này trong nhiều thập kỷ qua, nhưng nó khó hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Trong những năm qua, người ta đã biết rằng hệ miễn dịch rất phức tạp, và tế bào ung thư có nhiều cách khác nhau để lẩn trốn khỏi hệ miễn dịch, khiến cho việc chế tạo vắc xin thêm phần khó khăn.
Những kiến thức thu được trong những năm gần đây đang được sử dụng để cải thiện sự phát triển vắc-xin ung thư. Ví dụ, những vắc-xin hiện thường được cùng với những chất khác (gọi là tá dược) để tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể, có thể giúp vắc-xin làm việc tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm kiếm cách tốt nhất để đưa vắc xin vào cơ thể, tìm hiểu xem liệu chúng sẽ làm việc tốt hơn khi sử dụng đơn thuần hay phối hợp với những cách điều trị khác.
Nhiều loại vắc xin khác nhau đang được nghiên cứu để điều trị nhiều loại ung thư:
Vắc xin tế bào khối u
Những vắc xin được điều chế từ tế bào ung thư thực sự được phẫu thuật lấy từ bệnh nhân. Những tế bào này bị biến đổi (và giết chết) trong phòng thí nghiệm để khiến chúng dễ bị tấn công bởi hệ miễn dịch và sau đó được tiêm trở lại vào bệnh nhân. Hệ miễn dịch của bệnh nhân sau đó sẽ tấn công những tế bào này và các tế bào tương tự vẫn còn trong cơ thể.
Hầu hết các vắc xin tế bào khối u là tự thân, nghĩa là vắc xin được làm từ các tế bào khối u đã bị chết lấy từ chính người bệnh sau đó sẽ sử dụng lại cho chính người bệnh đó. Một số vắc xin khác là đồng loại, có nghĩa là tế bào làm vắc xin được lấy từ một người khác, chứ không phải từ người bệnh đang được điều trị. Vắc xin đồng loại dễ tạo ra hơn so với vắc xin tự thân nhưng vẫn chưa rõ có hoạt động tốt hơn không.
Vắc xin kháng nguyên
Những vắc xin này tăng cường hệ miễn dịch bằng cách sử dụng chỉ một (hoặc một vài) kháng nguyên, chứ không phải toàn bộ tế bào khối u. Kháng nguyên thường là protein hoặc mảnh protein gọi là peptid.
Vắc xin kháng nguyên có thể đặc hiệu cho một loại ung thư nhất định, nhưng chúng không được chế tạo cho một bệnh nhân cụ thể như vắc xin tế bào khối u tự thân.
Vắc xin tế bào đuôi gai
Loại vắc xin này cho thấy sự thành công nhất cho đến nay trong điều trị ung thư. Sipuleucel-T (Provenge), đã được phê duyệt để điều trị ung thư tiền liệt tuyến, là ví dụ về một vắc xin tế bào đuôi gai.
Tế bào đuôi gai là những tế bào miễn dịch đặc biệt trong cơ thể giúp hệ miễn dịch nhận diện các tế bào ung thư. Chúng phá vỡ các tế bào ung thư thành những mảnh nhỏ hơn (bao gồm những kháng nguyên), và sau đó trình diện những kháng nguyên này sao cho một loại tế bào miễn dịch khác có tên là tế bào T có thể nhìn thấy. Sau đó các tế bào T sẽ khởi động một phản ứng miễn dịch chống lại bất kỳ tế bào nào trong cơ thể có chứa các kháng nguyên.
Vắc xin tế bào đuôi gai được tạo ra từ người sẽ sử dụng nó. Quá trình chế tạo loại vắc xin này (được gọi là vắc xin tự thân) rất phức tạp và tốn kém. Các bác sĩ sẽ lấy một số tế bào miễn dịch từ máu của bệnh nhân và cho chúng tiếp xúc trong phòng thí nghiệm với các tế bào ung thư hoặc các kháng nguyên ung thư, cũng như với những chất khác biến tế bào miễn dịch thành tế bào đuôi gai và giúp chúng phát triển. Các tế bào đuôi gai sau đó được tiêm trở lại vào người bệnh và chúng sẽ đáp ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư trong cơ thể.
Vắc xin dựa trên vectơ
Những vắc xin này sử dụng hệ thống phân phối đặc biệt (gọi là các vectơ) để làm chúng hiệu quả hơn. Chúng không thực sự là một nhóm vắc xin riêng, ví dụ, có những vắc xin kháng nguyên dựa trên vector.
Vector có thể là những vi rút, vi khuẩn, tế bào nấm men, hoặc những cấu trúc đặc biệt khác được sử dụng để đưa kháng nguyên vào cơ thể. Các vectơ thường là những mầm bệnh đã được biến đổi để đảm bảo rằng chúng không còn gây bệnh nữa.
Các vectơ hữu ích trong việc chế tạo vắc xin vì nhiều lý do. Đầu tiên, có thể sử dụng chúng để đưa nhiều hơn một kháng nguyên ung thư tại một thời điểm, khiến hệ miễn dịch dễ đáp ứng hơn. Thứ hai, các vectơ như virus và vi khuẩn tự nó có thể gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể, giúp cho đáp ứng miễn dịch tổng thể trở nên mạnh hơn. Cuối cùng, loại vắc-xin này dễ chế tạo và ít tốn kém hơn những loại khác.
Ảnh minh họa |
Một số loại ung thư phổ biến đang được thử nghiệm vắc xin
Một số loại ung thư phổ biến đang được nghiên cứu vắc-xin bao gồm :
- U não ( đặc biệt là u nguyên bào đệm)
- Ung thư vú
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư thận
- Ung thư phổi
- U Lympho
- U hắc tố
- Ung thư tụy
- Ung thư tuyến tiền liệt
Ý kiến bạn đọc