Mở rộng đối tượng giám sát để phát hiện sớm các ca nhiễm vi rút Zika

06:42, 17/02/2016
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại buổi họp cập nhập tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, tổ chức ngày 16/2.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, từ năm 2007 đến ngày 5/2/2016, dịch bệnh do vi rút Zika đã được ghi nhận tại 44 nước. Nguyên nhân khiến vi rút Zika lây truyền nhanh là do người dân chưa từng phơi nhiễm với vi rút Zika nên không có miễn dịch trong cộng đồng; đồng thời loại muỗi Aedes truyền vi rút Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực châu Mỹ. Chính vì vậy, sự lây truyền dịch bệnh do vi rút Zika vẫn tiễp tục gia tăng.

Mối quan hệ nhân quả giữa phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika và chứng đầu nhỏ là có khả năng cao. Đến nay đã có 6 nước có các ca bệnh do vi rút Zika đã báo cáo ghi nhận sự gia tăng bất thường của chứng đầu nhỏ (là triệu chứng chỉ tình trạng vòng đầu của trẻ nhỏ hơn vòng đầu trung bình so với trẻ cùng tuổi, giới và tuổi thai). Đồng thời, trong năm 2015, Brazil đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc hội chứng thần kinh có tiền sử trước đó nhiễm vi rút Zika.

Tại buổi họp, đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết: Mối liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ ở trẻ và thuốc diệt muỗi là quan ngại mới được đưa ra gần đầy. Vấn đề này đang được tiến hành điều tra và chưa có kết luận rõ ràng. Việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng thời khá dài tại vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét. Hiện nay, hai vấn đề lớn có thể liên quan đến vi rút Zika là hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ tần kinh đang tiếp tục được điều tra. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng nhưng vẫn chưa thể khẳng định vi rút Zika liên quan đến 2 hội chứng này.

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), thuốc diệt ấu trùng muỗi hiện đang sử dụng đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng cho nước ăn uống, sinh hoạt. Nhưng tại Việt Nam , việc cấp phép sử dụng hoá chất này là chỉ sử dụng cho nước thải và không sử dụng cho nước ăn uống, sinh hoạt. Đó là điểm khác biệt lớn nên người dân không nên quá lo lắng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việt Nam hoàn toàn có khả năng xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika

Báo cáo tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết tính đến ngày 16/2, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại Venezuela và 2 trường hợp tử vong tại Brazil.

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai tốt các hoạt động giám sát, chẩn đoán và điều trị cũng như kế hoạch ứng phó trong trường hợp vi rút Zika xâm nhập Việt Nam. Về mặt giám sát, Bộ Y tế đã thực hiện giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cộng đồng. Viện Pasteur Tp.HCM đã lấy mẫu tại 8 điểm giám sát trọng điểm ở khu vực phía nam và dự định xét nghiệm 1200 mẫu nhằm phát hiện liệu có vi rút trong cộng đồng hay không. Về truyền thông, tiếp tục tập trung tuyên truyền người dân tiêu diệt bọ gậy/lăng quăng, diệt trừ muỗi để loại trừ nguy cơ gây bệnh. Về tập huấn, Bộ Y tế tăng cường hoạt động tập huấn cũng như giám sát các ca bệnh trên thực tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam . Đến nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai tất cả các biện pháp phòng chống cần thiết tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Thời gian tới, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cần mở rộng đối tượng được giám sát. Cụ thể là ngoài phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh thì những trường hợp có tiền sử đi về từ các quốc gia đang ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika cũng cần được lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika. Đồng thời, ngành y tế tăng cường giám sát tại cộng đồng; phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát ngay tại cửa khẩu và giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh. Những đơn vị có khả năng xét nghiệm chẩn đoán bệnh sẽ được tập huấn để chủ động trong việc lấy mẫu xét nghiệm. Việt Nam hoàn toàn có khả năng xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika.

Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị, trong đó có hướng dẫn các triệu chứng nghi ngờ. Đến thời điểm này, việc dựa trên các triệu chứng lâm sàng đề chẩn đoán bệnh là rất khó khăn. Vì vậy, chẩn đoán bệnh phải bằng các kết quả xét nghiệm. Phác đồ điều trị hiện nay là điều trị triệu chứng chứ không phải là điều trị đặc hiệu. Vi rút Zika hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thời gian tới, các hệ thống điều trị phải triển khai tập huấn cho các đơn vị về điều trị bệnh do vi rút Zika. Riêng về thuốc diệt ấu trùng muỗi, các đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ và nếu có kết luận về mối liên quan với chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sẽ cho dừng nhập và sử dụng...


Ý kiến bạn đọc