Đã có 7 tỉnh xuất hiện bệnh não mô cầu nguy hiểm

07:03, 26/02/2016
|

Không chỉ có Hải Dương là địa phương ghi nhận não mô cầu mới nhất, với một trường hợp tử vong. 6 địa phương khác cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh nguy hiểm này.

Một trường hợp mắc não mô cầu được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trước đó. Ảnh: Tú Anh
Một trường hợp mắc não mô cầu được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trước đó. Ảnh: Tú Anh

 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương…, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Tính chất nguy hiểm của bệnh cũng do lây truyền qua đường hô hấp.

Nhằm chủ động trong công tác phòng chống bệnh do não mô cầu gây nên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP cđề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu vào hôm nay (25/2).

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

Đặc biệt, khi phát hiện các ca bệnh cần nhanh chóng cách ly, xử lý môi trường, theo dõi người tiếp xúc gần để uống thuốc dự phòng. Các địa phương cần điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị lập báo cáo gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Cục Y tế dự phòng.

Trong mùa đông xuân đang có nguy cơ diễn ra dịch bệnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc chẩn đoán sớm, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong, thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho cơ sở triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; vận động người dân đi tiêm chủng phòng bệnh tại các cơ sở y tế dự phòng.

Là căn bệnh nguy hiểm nhưng não mô cầu lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.

 

Triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu

Diễn biến của bệnh nhanh, và quái ác, bệnh ít gặp nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, thời gian chẩn đoán và điều trị chỉ trong vòng một ngày.

Triệu chứng sớm:

- Sốt cao 39-40 độC
- Buồn nôn và ói
-  Cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn
-  Đau đầu, chóng mặt
-  Đau họng, chảy nước mũi.

Triệu chứng đặc hiệu ( xuất hiện muộn)

- Xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi
- Cứng gáy, đau cổ, co cứng
-  Sợ ánh sáng
-  Mê sảng, lú lẫn
-  Co giật kiểu động kinh
-  Mất ý thức, rối loạn cảm giác

Đường lây nhiễm:

Những hoạt động hàng ngày có thể lây truyền bệnh như: Dùng chung ly, tách uống nước, sống trong khu tập thể, cắm trại, nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, người hút thuốc lá hay tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá…

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu:

Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

 Chăm sóc cấp cứu ban đầu:

-  Cho uống thuốc hạ sốt
-  Đặt bệnh nhân nằm nơi ánh sáng dịu( hơi tối)
- Nếu bệnh nhân ói đặt bệnh nhân nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi
- Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời

Phương pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu:

- Tiêm vác xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não mô cầu.
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu Meningo(A+C) tiêm khi trẻ được 2 tuổi và người lớn sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần.

Nếu con bạn chưa được tiêm  vắc xin phòng bệnh viêm màng não Mô Cầu hãy đưa trẻ đến các địa điểm tiêm chủng để được Bác sĩ tư vấn và tiêm vác xin phòng bệnh cho trẻ.                                                     


Ý kiến bạn đọc