Có nhiều căn bệnh nguy hiểm ập tới do được quy định trong nguồn gen di truyền từ đời này sang đời khác.
Có nhiều căn bệnh nguy hiểm ập tới không phải do lỗi của chúng ta, cũng không phải lỗi của môi trường sống mà do được quy định trong nguồn gen di truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Bùi - Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, bên cạnh gen, tuổi thọ con người còn chịu ảnh hưởng của môi trường sống, dinh dưỡng, thói quen.
Ảnh minh họa |
Gen xấu
Gen di truyền của dòng họ có thể khiến nhiều căn bệnh hiện diện đời này nối đời kia. Chẳng hạn như bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne trong trường hợp sau: chị sinh con trai sau khi lấy chồng được ba năm. Ra đời, bé khỏe mạnh như bao trẻ khác nhưng khi lên sáu tuổi thì yếu dần. Do cơ không phát triển nên bé ngày càng yếu, không thể đi được mà chỉ bò, lết, càng lớn bệnh càng nặng, việc hít thở rất khó nhọc.
Bệnh này di truyền theo nhiễm sắc thể giới tính, đa số người mắc bệnh là nam. Đàn ông bị loạn dưỡng cơ Duchenne không có con và chết sớm, nhưng phụ nữ mang gen này lại hoàn toàn bình thường và là nguồn truyền bệnh cho con.
Ở gia đình khác, nguồn gen bệnh dị ứng - hen suyễn lại làm khốn khổ nhiều thế hệ. Có gia đình thiên về bệnh tiểu đường, có gia đình bị di truyền bệnh tim mạch khiến một vài cá nhân chết vì đột tử, vì suy tim khi tuổi đời chưa tới 40.
Bên cạnh gen di truyền thì môi trường sống là một trong những yếu tố tạo nên tuổi thọ. Nếu một người sở hữu gen tốt nhưng sống trong môi trường ô nhiễm vẫn bị rút ngắn con đường sống. Cụ thể: nguồn nước nhiễm bẩn, nhiễm chì, nhiễm kim loại; không khí bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng… gây bệnh ung thư, viêm đường hô hấp, viêm nội tạng…
Ô nhiễm không khí do khói xe gây viêm phổi, bệnh tim mạch… Hóa chất thải vào đất thấm vào mạch nước ngầm, cây trồng vật nuôi rồi nằm trong chuỗi thức ăn của người, gây các bệnh tiêu chảy, lỵ, ung thư. Ô nhiễm tiếng ồn do bấm còi xe vô tội vạ, âm lượng lớn làm cho người tham gia giao thông mệt mỏi thần kinh, căng thẳng, dễ ức chế thần kinh và nguy cơ cao bị điếc.
Về ăn uống, nếu chỉ chiều theo ý thích bản thân “ăn tuyền một loại thức ăn” dễ bị thừa cân, béo phì. Đây là phần mở màn cho các bệnh tim mạch, huyết áp, mỡ trong máu vào cơ thể. Ít ai ngờ thói quen ăn uống dùng đũa gắp thức ăn, uống chung ly lại làm nhiễm các bệnh nguy hiểm như: viêm gan, Helicobacter pylori (HP) (một nguyên nhân gây bệnh dạ dày).
Song song, cuộc sống biếng nhác, lười vận động cả thể xác lẫn tinh thần đều dẫn đến các bệnh thoái hóa xương khớp và sa sút trí tuệ (có người chưa quá già đã suy giảm trí nhớ đến mức không thể làm vệ sinh cá nhân, quên nhà ở đâu…).
Kéo dài tuổi thọ
Muốn cuộc sống tươi trẻ, kéo dài tuổi thọ, cần biết nắm được bệnh của gia đình. Cho đến nay, ai cũng biết các bệnh ung thư, tiểu đường có một phần nguyên nhân do di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh thì khả năng con cái bị bệnh cao hơn những gia đình khác.
Một chị 49 tuổi phát hiện mình bị ung thư đại tràng đã di căn. Ngay sau khi biết mình bị bệnh và biết đây là bệnh di truyền. Xem xét lại và thấy trong gia đình có bà ngoại bị ung thư gan, dì bị bị ung thư đại tràng, chị đã buộc hai đứa con, một gái, một trai, đi nội soi đại trực tràng.
Kết quả, cả hai đều có polyp và đã được điều trị cắt bỏ ngay khi mới bước qua tuổi 20. Riêng chị, do phát hiện bệnh muộn nên đã ra đi ở tuổi 50. Tuy vậy, điều chị hài lòng trước khi vĩnh biệt cuộc đời là đã không để các con chết vì thiếu hiểu biết như mình.
Khi biết ông ngoại đột tử không rõ lý do, bà ngoại bị chết vì suy tim, mẹ bị cao huyết áp khi bước vào tuổi 37, chị Kim Yến (ngụ Q.7, TP.HCM) đã thay đổi hẳn chế độ ăn uống và sinh hoạt của cả gia đình. Chị dùng ít muối khi nấu ăn, khi ăn không chấm thêm, rót thêm gia vị. Chị còn bỏ qua công đoạn ướp thịt cá… khi làm món ăn. Nhờ vậy, khi bước vào tuổi 55 huyết áp chị vẫn ổn định. Không chỉ phòng bệnh cho bản thân, chị còn lo cho con cháu bằng cách tập thói quen ăn nhạt ngay từ giai đoạn ăn dặm.
Ngoài phòng và khám bệnh tổng quát, chúng ta còn có thể thay đổi sức khỏe bằng cách khám bệnh tiền hôn nhân và tìm hiểu tiền sử bệnh tật của gia đình. Một bảng theo dõi bệnh sử hoàn chỉnh cần bao gồm thông tin từ các cá nhân trong ba thế hệ của gia đình, bao gồm con cái, anh chị em ruột, cha mẹ, dì chú, anh em họ và ông bà.
Ý kiến bạn đọc