Việt Nam: Mỗi năm gần 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV

16:36, 14/01/2016
|

(VnMedia) - Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và mỗi năm có khoảng 12.000 – 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS năm 2015 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội.

Theo thống kê, trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%; lây truyền qua đường tình dục chiếm phần lớn với 50,8%, lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%... 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế đang bị cắt giảm nhanh, hoạt động này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2015, khoảng 10 triệu lượt người thuộc đối tượng đích của chương trình được truyền thông phòng chống HIV/AIDS (tăng gần 3 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước). Chương trình phân phát bơm kim tiêm được triển khai tại 53 tỉnh, thành phố, tiếp cận gần 100.000 người nghiện tiêm chích ma túy. Hoạt động phân phát bao cao su cũng được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố cho các nhóm nguy cơ cao. Hiện nay, cả nước có 1.000 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV; 100 phòng xét nghiệm khẳng định tại 61/63 tỉnh, thành phố; 86 phòng xét nghiệm CD4 tại 51 tỉnh, thành phố và 6 cơ sở xét nghiệm tải lượng vi rút HIV.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thuốc ARV - giải pháp tối ưu

Hiện nay, HIV/AIDS chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự tiến bộ của y học, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp điều trị HIV/AIDS tối ưu, đó là thuốc kháng virus (ARV). Với khả năng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể và giảm thiểu tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, thuốc ARV mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe người nhiễm HIV cũng như cho toàn xã hội.

Theo báo cáo tháng 5/2015 của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), thuốc ARV có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV. Cụ thể, điều trị bằng ARV sớm giúp giảm 53% nguy cơ chuyển sang AIDS và tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm phổi…

ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn xuống dưới 2%, giúp giảm thiểu sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Quan trọng hơn, người điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe và khả năng lao động, từ đó có thể tự chăm sóc và trang trải cho bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại Việt Nam hiện nay, chi phí mua thuốc ARV bậc 1 chỉ ở mức 10.000 đồng/ngày cho một bệnh nhân. Tuy nhiên, nguồn kinh phí mua thuốc chủ yếu đến từ nguồn tài trợ quốc tế, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 5% tổng kinh phí cho thuốc ARV. Trong thời gian tới, các nguồn tài trợ sẽ dần cắt giảm và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017, đặt ra thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nếu không sớm có kế hoạch tài chính bền vững hỗ trợ mua thuốc để duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc ARV được liên tục và ổn định, nguy cơ đại dịch bùng phát và đe dọa cộng đồng sẽ trở lại, thậm chí còn nguy hiểm hơn trước nhiều lần vì virus có thể đột biến và kháng lại thuốc ARV khi điều trị bị gián đoạn.

Hiện, việc điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ với 57 tỉnh, 239 cơ sở điều trị Methadone và trên 43.000 người được điều trị Methadone; thuốc Methadone được cấp phát đến tận tuyến xã, phường. Điều trị ARV được triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành phố với 325 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV…


Ý kiến bạn đọc