Việt Nam: Dân số chuyển từ "vàng" sang già

06:48, 15/01/2016
|

(VnMedia) - Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016.

Tận dụng thời cơ "cơ cấu dân số vàng"

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, mặc dù trong năm 2015, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn, với nhiều nhiệm vụ nặng nề nhưng nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành cùng với việc đưa ra những chương trình hoạt động sát với thực tiễn, ngành Dân số đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Quy mô dân số giữ ở mức ổn định, chưa vượt qua 92 triệu người; duy trì được tốc độ gia tăng dân số trong khoảng 1%, với mức sinh ổn định là 2,1 con. Mất cân bằng giới tính khi sinh giữ ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Việc duy trì mức sinh thấp hợp lý đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số và giúp Việt Nam có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho nhóm đối tượng trẻ em và người cao tuổi.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến nhấn mạnh những khó khăn, thách thức mà ngành dân số phải đối mặt trong thời gian tới, đặc biệt là việc tận dụng thời cơ nước ta đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. “Ta cứ tự hào Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số vàng, tuổi thọ bình quân của chúng ta tăng lên rất nhiều… nhưng liệu chúng ta có biết sử dụng vàng hay không? Nhiều người cầm vàng trong tay mà vẫn đói đấy vì không biết chi tiêu như thế nào cho hợp lý” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo thứ trưởng, chỉ cần chủ quan, buông lỏng quản lý, tỉ lệ sinh ổn định mà nước ta đang giữ được có thể tăng lên rất nhanh mà sinh càng nhiều thì tỉ lệ tử vong của các bà mẹ liên quan đến sản khoa sẽ càng tăng, tỉ lệ tử vong của của trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi cũng tăng lên kéo theo những hệ lụy trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi…

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, củng cố hệ thống bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại địa phương góp phần nâng cao hiệu quả của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số tại cơ sở. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cần rà soát lại những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để dồn sức cho các hoạt động này, góp phần phát triển bền vững dân số đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, vận động người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, năm 2016 ngành sẽ tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của nhân dân; tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, mở rộng chương trình tầm soát các bệnh tật di truyền, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, ngành sẽ hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch cho 5 năm tới theo định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2016 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Dân số chuyển từ vàng sang già

Theo thống kê mới đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số. Đây là thời điểm mà số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15 - 64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.

Già hóa dân số là kết quả của việc quá độ nhân khẩu học, trong đó mức chết và sinh đều giảm, còn tuổi thọ trung bình thì tăng lên. Quá trình già hóa dân số ở nước ta bắt đầu từ năm 2011 với 10% dân số trên 60 tuổi.

Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hiêp Quốc, đến năm 2017, Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn dân số già nhưng chỉ đến năm 2013, người già đã chiếm 10,5% dân số. Già hóa dân số thể hiện rõ qua các kỳ tổng điều tra dân số. 4 kỳ tổng điều tra dân số (1979, 1989, 1999, 2009), số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chỉ tăng trung bình 0,06% mỗi năm.

Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, từ 1/4/2009 – 1/4/2010, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 8,67% lên 9,4%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 6,4% lên 6,8%. Con số này cho thấy, chỉ trong một năm, tỷ lệ người cao tuổi đã tăng hơn gấp 10 lần so với cả giai đoạn trước đây.

Theo điều tra của Bộ Y tế, chỉ có 5% người cao tuổi của nước ta có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Chi phí y tế của người cao tuổi cao gấp 7 lần so với người trẻ; tính riêng chi phí y tế của nhóm người trên 75 tuổi đã chiếm 30% tổng ngân sách quốc gia.

Để ứng phó với những thay đổi khi cơ cấu dân số chuyển sang giai đoạn già hóa, chúng ta đã có nhiều chính sách với người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện hành vẫn chưa thực sự hiệu quả. Điển hình như chỉ các cụ già hơn 80 tuổi mới được trợ cấp. Hệ thống hưu trí tập trung chủ yếu vào khu vực Nhà nước trong khi khu vực phi chính thức chiếm tới 63% lực lượng lao động. Nhìn vào thực trạng đời sống, sức khỏe cũng như nhu cầu người cao tuổi cho thấy, cần phải bắt đầu một kế hoạch hành động tổng thể cho đối tượng này.

Đó là quy định tuổi hưu linh hoạt hơn, có chính sách khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và thúc đẩy cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi đồng thời phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp.


Ý kiến bạn đọc