(VnMedia) - Bệnh học đường là những bệnh mà học sinh mắc phải trong thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh, ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng ốc, bàn ghế nơi các em học tập, chủ yếu là các tật khúc xạ (cận thị).
Ảnh minh họa |
Bệnh học đường là những bệnh mà học sinh mắc phải trong thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh, ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng ốc, bàn ghế nơi các em học tập, chủ yếu là các tật khúc xạ (cận thị), cong vẹo cột sống và rối loạn tâm lý. Với những hậu quả về thể chất và tinh thần đang ngày càng gia tăng cho thế hệ tương lai, phòng chống bệnh học đường là một vấn đề cấp bách cần sự quan tâm của toàn xã hội.
Nguyên nhân là do các yếu tố vệ sinh trường học không đảm bảo như chiếu sáng kém, bàn ghế không phù hợp với kích thước cơ thể học sinh, chế độ học tập căng thẳng khiến học sinh không có đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh tật ở lứa tuổi học đường hiện nay vẫn còn cao như cận thị (từ 20 - 35%), cong vẹo cột sống (15 - 30%).
Bên cạnh đó, những bệnh mới nổi ở lứa tuổi học đường do gánh nặng học tập, điều kiện xã hội, kinh tế phát triển làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh (15% - 40%); rối loạn tâm thần học sinh (từ 7% - 25%); tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao (từ 60% - 95%). Đặc biệt, gần đây nổi lên vấn nạn bạo lực học đường ở nhiều nơi. Số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% phải đến bác sỹ điều trị; 4,7% học sinh hút thuốc lá và 22,5% học sinh đã từng uống rượu dẫn đến say.
Trong khi đó, tỷ lệ học sinh thường xuyên rửa tay với xà phòng chỉ đạt khoảng 18%; tỷ lệ học sinh ít vận động là 42% và chỉ có 18,3% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày. Đây là các yếu tố nguy cơ chính gây nên bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần…
Do đó, Cục Y tế dự phòng cho biết, điều kiện vệ sinh trường học nhiều nơi, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu; nguy cơ xảy ra dịch bệnh và mắc các bệnh tật học đường còn cao. Bên cạnh đó, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại các trường còn hạn chế, thiếu cán bộ đủ năng lực, thiếu trang thiết bị chuyên môn cần thiết; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của y tế xã phường trong công tác y tế trường học ở một số nơi còn mờ nhạt.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai tốt công tác y tế trường học, ngành y tế và ngành giáo dục cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy định pháp luật; ban hành quy định khám sức khỏe và phân loại sức khỏe; duy trì đội ngũ cán bộ y tế trường học ở mỗi trường hoặc cụm trường…
Ngành giáo dục cần có kế hoạch đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y tế trường học; đồng thời sớm có kế hoạch tuyển dụng các cán bộ y tế trường học. Với các trường chưa có cán bộ y tế trường học, Trạm y tế xã, phường tạm thời cử cán bộ hỗ trợ…
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, trẻ em, học sinh thường ít mắc các bệnh mạn tính. Các bệnh thường gặp là tật khúc xạ, bệnh răng miệng, giun sán… Chính vì vậy, sàng lọc sức khỏe tổng thể 1 lần/năm học là cơ hội để trẻ em và học sinh kiểm tra sức khỏe toàn diện nhằm sớm phát hiện các nguy cơ sức khỏe, đặc biệt có ý nghĩa trong việc đánh giá tăng trưởng, tình trạng dinh dưỡng, thừa cân, béo phì để có kế hoạch phối hợp với gia đình trong chăm sóc sức khỏe.
Đối với học sinh phổ thông, việc sàng lọc sức khỏe hàng năm cũng góp phần phát hiện sớm tật khúc xạ, bệnh răng miệng, các bệnh tim mạch (như suy tim, thấp tim, hở van tim..); các rối loạn xương khớp, các bệnh về hô hấp (như hen, các rối loạn tâm thần…). Các bệnh này có ảnh hướng lớn đến sức khỏe học sinh nên trường học cần phối hợp với ngành y tế xây dựng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp và kế hoạch phòng chống, tư vấn, điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa…
Ý kiến bạn đọc