Trung Quốc ghi nhận thêm 1 ca tử vong do nhiễm virus cúm H7N9

16:43, 13/01/2016
|

(VnMedia) - Giới chức y tế Trung Quốc ngày 12/1 thông báo một bệnh nhân nước này đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở tỉnh Chiết Giang miền Đông Trung Quốc.

Ca tử vong được ghi nhận vào ngày 8/1 tại thành phố Thiệu Hưng của tỉnh Chiết Giang. Tuy nhiên, giới chức y tế không công bố thông tin chi tết về bệnh nhân.

Ngày 11/1, giới chức y tế tỉnh Chiết Giang cũng thông báo 2 ca nhiễm H7N9 tại thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh này, trong đó có 1 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H7N9 ở người được phát hiện hồi tháng 3/2013 tại Trung Quốc. Virus này thường xuất hiện vào mùa Đông và mùa Xuân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngăn chặn cúm H7N9 xâm nhập Việt Nam

Theo cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguy cơ rất cao virus cúm gia cầm H7N9 và các chủng virus độc lực cao từ Trung Quốc xâm nhiễm vào Việt Nam qua hoạt động buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Năm 2015, Trung Quốc có 226 người mắc bệnh cúm A/H7N9, trong đó 94 ca tử vong. Cho đến nay, virus H7N9 chủ yếu được phát trong môi trường ở Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới phía Bắc của Việt Nam...

Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường, thú y lập các chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm với các cá nhân, tổ chức vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu.

Để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm H7N9 xâm nhập Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên các địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người ...

Khuyến cáo phòng bệnh cúm A(H7N9)

Bệnh cúm A(H7N9) ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A(H7N9) có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đồng thời, người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. 


Ý kiến bạn đọc