Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp mổ ca mang thai hộ đầu tiên

18:45, 21/01/2016
|

Sáng mai (22/1), ca mang thai hộ đầu tiên sẽ được mổ sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Viết Tiến sẽ trực tiếp thực hiện. 

Đây là ca mang thai hộ đầu tiên thực hiện thành công tại BV Phụ sản Trung ương được công nhận hợp pháp, kể từ sau khi Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể nhờ họ hàng mang thai hộ. 

Bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện tại (chiều 21/1) Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho ca mổ này. Ngay trong chiều nay, người mang thai hộ sẽ nhập viện để thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe trước khi phẫu thuật.

BS Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, sau gần 1 năm thực hiện “Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 70 hồ sơ đạt yêu cầu, trong đó, hơn 50 trường hợp đã mang thai.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hầu hết các ca mang thai hộ được thực hiện tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia bị ung thư tử cung, không có tử cung hoặc sảy thai thường xuyên không rõ nguyên nhân. Trong quá trình thực hiện, kĩ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể lấy như bình thường, thậm chí có trường hợp phải lấy qua đường thành bụng, phẫu thuật nội soi. Chưa kể, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến chứng nặng đối với người phụ nữ.

Quá trình mang thai hộ hợp pháp phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Để thực hiện mang thai hộ, các cặp vợ chồng và người mang thai hộ phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để bảo đảm thủ tục về mặt pháp lý. Người mang thai hộ phải được xác nhận có quan hệ họ hàng với người nhờ mang thai.

Sau đó hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật này hay không để tư vấn.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, thậm chí có những trường hợp phải lấy qua đường thành bụng. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến cố nặng đối với người phụ nữ.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, thực tế có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà đứa con bị liệt, tàn tật vì lý do nào đó người vợ không thể mang thai được nữa lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu, không may mắn bị tai biến, bắt buộc phải cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này sau cắt tử cung, noãn vẫn bình thường, người chồng tinh trùng vẫn bình thường, nếu họ được phép nhờ mang thai hộ, khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì chắc chắn sẽ nhân đạo hơn.

Hiện cả nước có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa  Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định về việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận noãn, cho và nhận phôi

(Tại Điều 4 và Điều 5: Chương II - Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo)

Đối với người cho

1. Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.

2. Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.

4. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.

Đối với người nhận

1. Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.

2. Người nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam và là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

3. Người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng;

b) Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ;

c) Phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

4. Người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận tinh trùng, nhận phôi.


Ý kiến bạn đọc