Thời điểm nào tốt nhất để nhổ răng khôn?

11:28, 13/01/2016
|

(VnMedia) - Bác sỹ Trần Thị Nhung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, trong quá trình mọc và suốt thời gian tồn tại, răng khôn đặc biệt là răng khôn hàm dưới thường gây ra rất nhiều tai biến. Vậy khi nào cần phải nhổ răng khôn?

Tai biến khi nhổ răng khôn bao gồm: Chứng đau dây thần kinh vùng đầu khu trú hoặc lan tỏa; Viêm quanh thân răng, sang chấn mô mềm xung quanh; Sâu răng số 7 và sâu chính răng khôn dẫn tới phá hủy cấu trúc răng; Tiêu xương nâng đỡ vùng răng số 7; Cản trở sự mọc răng vĩnh viễn…. và rất nhiều những biến chứng khác nữa.

Vì vậy cân nhắc giữa nhổ bỏ hay giữ lại những răng khôn lệch, kẹt hoặc ngầm là cần thiết. Với phụ nữ, nên nhổ những răng khôn lệch, kẹt hoặc ngầm sớm khi đã phát hiện, vì phụ nữ liên quan tới giai đoạn thai nghén. Với nam giới,có thể nhổ những răng khôn lệch, kẹt hoặc ngầm khi đã từng gây biến chứng.

Theo Bác sỹ Trần Thị Nhung đừng đợi sưng đau rồi mới tìm đến bác sĩ. Hãy khám răng miệng định kỳ để bác sĩ chuyên khoa phát hiện sớm những răng lệch, kẹt hoặc ngầm và xem xét, đánh giá những nguy cơ cùng tất cả mọi khả năng có thể xảy ra để đưa ra cho bạn lời khuyên hợp lý nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn

Những răng khôn biến chứng hoặc có nguy cơ gây biến chứng có thể nhổ được ở bất cứ thời điểm nào khi đã mọc. Tuy nhiên, nếu đã xác định phải nhổ răng khôn thì thời điểm thích hợp nhất để nhổ bỏ là khi bệnh nhân còn trẻ.

Nhổ bỏ răng khôn khi còn trẻ sẽ giúp tránh được nhiều biến chứng do răng khôn gây ra (viêm nhiễm quanh răng, sâu vỡ răng số 7 và chính răng khôn,phá hủy cấu trúc xương nâng đỡ răng, sang chấn mô mềm,đau dây thần kinh vùng đầu…) và những vấn đề không mong muốn mà sẽ làm trầm trọng hơn theo thời gian. Người trẻ sẽ vượt qua quá trình phẫu thuật và stress tốt hơn, ít biến chứng và lành thương nhanh hơn. Hơn nữa, nhổ răng cho người trẻ cũng dễ dàng hơn cho bác sĩ khi mở xương, lung lay răng…do xương người già thường đặc, cứng và giòn hơn .

 Dấu hiệu của mọc răng khôn

- Đau nhức: Đây là dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp nhất, đó là những cơn đau nhức từ bên trong răng, cơn đau sẽ càng dữ dội và kéo dài khi răng đang phát triển. Thời gian mọc răng khôn thường mọc kéo dài, và có thể kéo dài đến vài năm răng khôn mới có thể mọc hoàn chỉnh. Vì vậy, khi gặp phải dấu hiệu răng khôn gây đau nhức, bạn nên chuẩn bị tinh thần vì những cơn đau này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.

- Nướu sưng đỏ: Khi răng khôn bị mọc kẹt, không trồi lên hết được sẽ làm phần lợi phía trên va xung quanh răng bị sưng phồng lên. Đến khi răng đã mọc ổn định nướu răng sẽ trở lại bình thường.

Dấu hiệu và triệu chứng mọc răng khôn ở người lớn

- Khó há miệng và có thể hành sốt: Trong quá trình răng khôn mọc có thể gây ra các cơn sốt kéo dài, làm nướu sưng đỏ, cử động cơ miệng không còn linh hoạt như trước.

Răng khôn mọc lệch, ngầm

- Khi hiện tượng đau nhức diễn ra thường xuyên và dữ dội có thể là dấu hiệu của răng khôn mọc lệch, ngầm đâm vào xương hàm hoặc đẩy răng bên cạnh. Hầu hết các trường hợp răng khôn mọc lệch ngầm đều khó nhổ và để lại các biến chứng gây ảnh hưởng không tốt đến xương hàm và các răng kề bên.

- Với một số người, khi mọc răng khôn thì cảm thấy rất đau đớn, “ăn không ngon, ngủ không yên”, nhưng một số người khác thì quá trình mọc răng khôn chỉ đau khi họ vô tình ăn nhai chạm vào vùng nướu của răng khôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia răng miệng khuyên bạn nên nhổ răng khôn trước khi quá đau, để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.

Lưu ý trước và sau khi nhổ răng khôn

Chuẩn bị tâm lý: Sợ đau và sợ bị ảnh hưởng tới thần kinh là những lo lắng thường gặp ở nhiều người khi nói tới nhổ răng. Hiện nay, với các kỹ thuật gây tê, kiểm soát tốt trước, trong và sau phẫu thuật, nhổ răng không sang chấn sẽ giúp lấy bỏ răng khôn không đau và không ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân. Quan trọng là bệnh nhân cần có một tâm lý thoải mái, tin tưởng vào bác sĩ thì cuộc nhổ sẽ diễn ra thuận lợi.

Chọn thời điểm nhổ răng: Nhổ răng có thể tiến hành vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên tốt nhất nên nhổ vào đầu giờ sáng sau khi ăn no hoặc đầu giờ chiều để bác sĩ tiện theo dõi sự chảy máu sau nhổ. Tối hôm trước nhổ răng bệnh nhân nên ngủ sớm và tránh dùng đồ uống có cồn.

Chế độ ăn uống: Trước khi nhổ răng nên uống vài ly sữa đậu nành sẽ góp phần hạn chế chảy máu và mau lành thương nhờ chất đạm Lecithin trong đậu nành.

Sau nhổ răng, nếu có thể nên uống một cốc nước ép dâu tây vì trong đó có hoạt chất trợ lực cho thuốc giảm đau tác dụng tương tự Aspirin. Tiếp tục uống vài ly sữa đậu nành. Sữa chua cũng giúp tăng tác động của thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhờ acid obacillus, lưu ý không ăn lạnh quá. Ngoài ra ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các vitamin sẽ giúp tăng cường sức khỏe và mau chóng hồi phục sau nhổ răng. Trong vài ngày đầu sau nhổ răng nên ăn đồ mềm và dễ tiêu hóa để xương hàm không phải làm việc nhiều. Tránh ăn đồ ngọt, chua, cay, đồ uống có ga, cồn và các chất kích thích khác. Nghỉ ngơi hợp lý với những răng khôn nhổ khó.


Ý kiến bạn đọc