(VnMedia) - Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia hiến máu chỉ chiếm 1,53% dân số, là mức thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, muốn đảm bảo an toàn nguồn máu điều trị thì mỗi quốc gia phải đạt tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tối thiểu là 2% trở lên. Đối chiếu với dân số Việt Nam hiện nay thì muốn đảm bảo an toàn hiến máu, cả nước còn thiếu khoảng 600.000 đơn vị máu/năm.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, vào thời điểm trước Tết nguyên đán, lượng máu phục vụ điều trị rơi vào tình trạng khan hiếm. Năm nay, dự báo mức độ khan hiếm máu điều trị có thể còn trầm trọng hơn trên phạm vi cả nước. Cho đến ngày 12/1, tại kho lưu trữ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chỉ còn khoảng 6000 đơn vị máu.
GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, tình trạng bệnh nhân chờ đợi mòn mỏi vì thiếu máu luôn là nỗi đau đáu với những y, bác sỹ đang công tác tại các cơ sở y tế. Do vậy, tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc vận động hiến máu tình nguyện như Ngày Chủ Nhật Đỏ để bệnh nhân được hồi sinh từ những giọt máu hồng quý giá.
Vào ngày 17/1 tới đây, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương sẽ tổ chức ngày hội “Chủ nhật đỏ”. Sau sự kiện này sẽ có khoảng 40 điểm hiến máu tại 22 tỉnh, thành phố với mong muốn huy động được từ 18.000 - 20.000 đơn vị máu.
Ai cho được, ai không cho được?
Người cho máu được
Người hiến máu khỏe mạnh, không có tiền căn bệnh tật
Nam tuổi từ 18 – 60
Nữ tuổi từ 18 – 55
Huyết áp không thấp, không cao (tối đa > 100 mHg và < 140 mHg)
Mạch từ 60 – 90 lần/ phút.
Cân nặng > 45 kg. Với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng > 50 kg có thể hiến 350ml máu/ lần.
Với người hiến máu nhắc lại thì phải đảm bảo khoảng thời gian cách lần hiến máu trước tối thiểu là 84 ngày.
Người không cho máu được
Người quan hệ với gái mại dâm, có quan hệ với nhiều bạn tình
Người nghiện ma tuý
Người bị nhiễm HIV/AIDS
Người nghiện rượu
Người bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C
Người sống lang thang không nơi cư trú rõ ràng
Làm gì trước khi và hiến máu?
Hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp ở người hiến máu có thể có những biểu hiện không mong muốn xảy ra. Đó là những phản ứng bình thường của cơ thể, có thể xử lý đơn giản sẽ nhanh chóng qua đi.
- Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia, nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu.
- Mang giấy CMND, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
Nếu phát hiện chảy máu tại chỗ:
- Giơ cao tay.
- Lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính.
- Thay miếng bông và băng dính khác.
Nếu xuất hiện bầm tím tại chỗ:
- 2 ngày đầu sau hiến máu: Chườm lạnh tại chỗ.
- Những ngày sau: Chườm nóng 2 - 4 lần/ ngày.
Ngay sau khi hiến máu
Nên:
- Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.
- Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn: nên nằm nghỉ 10 – 15 phút.
- Uống nhiều nước sau khi hiến máu.
- Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi.
- Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.
Tránh:
- Uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu.
- Làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ …) trong hai ngày đầu.
- Các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.
Chế độ ăn, sinh hoạt sau khi hiến máu
Nên:
- Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
- Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa …
- Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.
Hiến máu như thế nào mới đúng?
Trong cơ thể, trung bình có khoảng 77 ml máu/ kg cân nặng đối với nam và 66 ml máu/ kg cân nặng đối với nữ. Như vậy, một người Việt Nam trưởng thành trung bình có khoảng từ 3,5 – 5 lít máu (tương đương 1/13 trọng lượng của cơ thể).
Người khỏe mạnh: mỗi lần hiến 250 ml, 350 ml hoặc 450 ml tuỳ theo trọng lượng, không được hiến nhiều hơn.
Đối với nữ không quá 3 lần/ năm, đối với nam không quá 4 lần/ năm.
Ý kiến bạn đọc