(VnMedia) - Xông mũi họng ở trẻ nhỏ qua mặt nạ còn gọi là khí dung. Khí dung được dùng hỗ trợ trong chữa trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc mãn tính như hen suyễn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Tha, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, không ai phủ nhận từ lúc áp dụng xông khí dung, nhiều bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ được cải thiện rõ. Và nhờ vào xông khí dung, nhiều trẻ đã không cần phải dùng thuốc uống, hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra nếu uống.
Khi xông, hơi thuốc sẽ được máy đẩy ra tạo thành dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên chỗ co thắt hay chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp . Xông sẽ có tác dụng nhanh hơn, làm giãn các phế quản , làm loãng đàm, bệnh nhi có cảm giác dễ thở hơn .Thời gian tác dụng của xông khí dung ngắn, do đó trẻ sẽ được xông nhiều lần tùy theo chẩn đoán và độ nặng nhẹ của bệnh.
Theo BS Tha, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để xông khác nhau. Ví dục như như bị dị ứng đường hô hấp, hắt hơi, viêm mũi dị ứng, hen suyễn thì thường dùng thuốc xông dạng corticoid để dự phòng và trong những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong viêm phế quản cấp, bệnh hen suyễn, thì trẻ sẽ được xông ventoline trong cơn cấp.
Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản do tắc đàm nhớt thì xông khí dung bằng nước muối rất tốt để làm loãng đàm, trẻ dễ ho và tống được đàm nhớt ra ngoài.
Đồng thời, khi sử dụng máy phun khí dung thì phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong các phế quản , hoặc lơ lững hoặc bám vào thành họng, chưa kịp xuống đến các phế quản tận. Nên lưu ý khi xông bằng máy phải đảm bảo vệ sinh , sử dụng dây và mặt nạ riêng và sau mỗi lần xông phải được rửa bằng dung dịch sát trùng nếu muốn sử dụng lại. Sau 1 thời gian sử dụng máy phải được vệ sinh kỹ lưỡng, thay phần lọc không khí để tránh nhiễm vi trùng và nấm mốc.
BS Tha cũng cho biết, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh, mà còn làm cho bệnh trầm trọng hơn. Ngoài ra việc lạm dụng coricoide hay kháng sinh sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe. Ngay cả các thuốc gây dãn phế quản, tuy giúp trẻ đang bị suyễn dễ thở hơn nhưng nếu dùng nhiều lần quá hoặc liều lương cao sẽ làm trẻ kích thích, tim đập nhanh, run tay chân...
Ngoài ra, các loại tinh dầu tuy làm thông mũi nhưng không được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ quá nhỏ có thể gây ức chế hô hấp, cũng không được lạm dụng bừa bãi, vì nó sẽ làm cho nghiện và làm giảm khứu giác.
Cách tốt nhất mà phụ huynh có con em bị suyễn , có thể thực hiện tại nhà, và y học đã chứng minh là hiệu quả tương đương với máy xông khí dung, là sử dụng bình xịt định liều qua ống hít (babyhaler) có bán tại các nhà thuốc tây. Và trẻ nên được khám và sử dụng thuốc xông theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ảnh minh họa |
Các bước thực hiện xông khí dung
- Pha thuốc và đổ thuốc vào ống (cốc) đựng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không đổ quá vạch max của cốc.
- Cắm ống dẫn khí một đầu vào máy xông, đầu còn lại vào cốc thuốc.
- Lắp mặt nạ hoặc ống ngậm. Mỗi máy xông mũi họng đều có kèm theo mặt nạ hoặc ống ngậm. Tùy trường hợp sử dụng, ống ngậm đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt của người bệnh cho nên với trẻ em dưới 5 tuổi thường sử dụng mặt nạ.
- Bật công tắc và bắt đầu xông.
- Tiến hành xông. Thở chậm và sâu bằng miệng (hít vào sâu, ngưng lại 1-2 giây rồi thở ra) cho đến khi hết thuốc trong cốc đựng, trung bình khoảng 10-20 phút.
- Nên thay đổi bộ xông sau 1 năm sử dụng.
Vệ sinh làm sạch và bảo quản
- Trước khi làm sạch khử trùng, đảm bảo máy ở trạng thái ngừng hoạt động và ngắt kết nối nguồn điện.
- Vệ sinh định kỳ 1 lần/ tuần.
- Sử dụng dung dịch khử trùng có sẵn. Làm theo hướng dẫn qui định của nhà sản xuất:
Ngâm ngập các bộ phận vào dung dịch khử trùng trong một thời gian nhất định.
Rửa lại các bộ phận dưới với nước sạch, để ráo khô tự nhiên trong môi trường không khí sạch.
- Luộc nước sôi từ 15 tới 20 phút:
Lưu ý cho các bộ phận vào từ lúc nước lạnh và đổ ngập nước các bộ phận.
Sau khi luộc, lấy các bộ phận ra cẩn thận, để các bộ phận khô trong môi trường không khí sạch.
Lưu ý:
- Không được đặt máy nén khí vào nước. Thỉnh thoảng lau mặt ngoài máy nén khí bằng khăn ẩm.
- Không luộc ống dẫn khí, mặt nạ người lớn, mặt nạ trẻ em, miếng lọc khí và nắp đậy bộ lọc khí.
- Tùy từng bệnh mà sử dụng loại thuốc, liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Không tự ý mua thuốc về xông. Nếu chỉ vệ sinh mũi họng thông thường ta có thể xông bằng nước muối sinh lý, thời gian xông từ 5-10 phút.
Ý kiến bạn đọc