Hé lộ những sự thật khủng khiếp về virus "ăn não" Zika

15:18, 29/01/2016
|

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, virus gây teo não Zika đang lan tràn chóng mặt và có thể bùng nổ thành đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, do hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay thuốc đặc trị Zika khiến virus này trở thành nỗi khiếp sợ của cả thế giới.

Lật mặt virus Zika

Theo WHO và Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), Zika là loại virus do muỗi Aedes Aegypti lây truyền, đang làn tràn khắp Nam và Trung Mỹ. Theo cảnh báo của WHO, virus Zika có thể ảnh hưởng đến 4 triệu người và thậm chí, có khả năng bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Cho đến nay, riêng ở Brazil, hơn 1 triệu ca bệnh đã được báo cáo. Hiện tại, các trường hợp nhiễm virus Zika đã được phát hiện tại nhiều nước khác trên thế giới bởi sự trở về của những người đi du lịch ở các vùng có dịch. Những trường hợp nhiễm virus Zika mới nhất đã được xác nhận tại Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Đức và Anh.

Những người mắc bệnh do virus Zika có các triệu chứng như sốt nhẹ, phát ban, đau khớp và đỏ mắt. Ước tính, cứ 5 người nhiễm virus Zika sẽ có một người bị phát triển thành bệnh. Tuy nhiên, tất cả những người nhiễm virus Zika đều có thể truyền bệnh qua đường bị muỗi đốt.

Nguồn gốc của virus Zika

Julius Lutwama, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Virus Uganda cho biết, virus Zika được phát hiện ở loài khỉ ở rừng Zika tại Uganda vào năm 1947. Tuy nhiên, người Uganda không cho đây là loại virus nguy hiểm.

Bộ trưởng Y tế Colombia Alejandro Gaviria đang giải thích các triệu chứng nhiễm virus Zika trong một sự kiện nhằm khởi động chiến dịch quốc tế chống lại virus này ở Ibague, Colombia ngày 26.1.2016.

Từ đó cho đến năm 2007, dịch bệnh do virus Zika cũng ít xảy ra và thường xảy ra trong phạm vi hẹp ở các khu vực của châu Phi và Đông Nam Á. Ngoài mặt, Zika không nghiêm trọng gì nhiều hơn so với bệnh cúm.

Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, đã có những đợt dịch lớn, bùng phát trên diện rộng do virus Zika xảy ra ở Micronesia và Polynesia, Easter Island, quần đảo Cook và Tân Caledonia. Ca bệnh đầu tiên ở Nam Mỹ xuất hiện vào tháng 4/2015 tại Brazil, và sau đó lan nhanh khắp Trung và Nam Mỹ.

Chưa có thuốc điều trị

Hiện không có vaccine phòng ngừa hay phương pháp trị liệu y học nhằm tiêu diệt virus Zika. Những người bị nhiễm virus này thường tự hồi phục sau khoảng một tuần nghỉ ngơi và truyền dịch. WHO và CDC cũng khuyến cáo người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng acetaminophen để giảm sốt và đau.

CDC yêu cầu các bệnh nhân nhiễm bệnh tránh để bị muỗi đốt vì “virus Zika có thể thấy trong máu và lây truyền từ người bị nhiễm bệnh qua người khỏe mạnh bằng con đường bị muỗi đốt".

Giới chức ở Brazil và hơn 20 nước đã xác nhận có các ca nhiễm virus Zika đang tiến hành việc xịt thuốc trừ côn trùng, muỗi và kêu gọi công dân đừng để nước ứ đọng trong các bể chứa để muỗi không có nơi sinh sản nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Vì sao virus Zika nguy hiểm?

Mặc dù Zika ít gây tử vong và ít khiến bệnh nhân phải nhập viện, song mối đe dọa thực thụ của virus này, theo CDC, đó là nó gây ảnh hưởng xấu đến thai phụ và thai nhi.

Thai phụ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm nếu nhiễm virus Zika.
Thai phụ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm nếu nhiễm virus Zika.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika nhiều khả năng sinh ra con bị tật đầu nhỏ - tình trạng mà đầu của đứa trẻ bị dị dạng và não bộ phát triển không đầy đủ so với các đứa trẻ khác cùng tuổi và cùng giới tính. Tháng 4.2015, Zika bị cho là nguyên nhân gây ra bệnh teo não ở 4.000 trẻ sơ sinh tại Brazil.

Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về mối liên hệ giữa virus Zika và chứng bệnh teo não ở trẻ em, CDC kêu gọi thực hiện “các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho các phụ nữ đang có thai hoặc tìm cách có thai".

Làm gì để tránh nhiễm virus Zika?

CDC đã công bố một Lệnh cảnh báo cấp 2 và đang kêu gọi các khách du lịch tới khu vực đang có dịch bệnh thực hiện “các biện pháp phòng ngừa tăng cường” để tránh bị muỗi đốt.

Những biện pháp này bao gồm mặc áo dài tay và quần dài, dùng thuốc ngừa côn trùng có chứa DEET, mặc quần áo có tẩm chất permethrin, ngủ trong những khu vực được che kín hay có điều hòa không khí.

Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên đi du lịch tới các nước đang có dịch bệnh. Còn phụ nữ mang thai ở vùng dịch nên sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt như trên đồng thời nhanh chóng tới gặp bác sĩ sau khi phát hiện bị muỗi đốt. 


Ý kiến bạn đọc