(VnMedia) - Các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình “Tiêm chủng mở rộng”, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm mất cơ hội tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ.
Trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản …
Bà mẹ cũng lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay trẻ đủ ấm, không để trẻ bị gió lùa để trẻ không bị nhiễm lạnh.
Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở, đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.
Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi, nguyên nhân do vi rút hoặc vi khuẩn, đây là bệnh rất nguy hiểm dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây tử vong.
Ảnh minh họa |
Lưu ý cần biết khi đưa bé đi tiêm chủng
Tiêm chủng là việc truyền chất kháng nguyên vào cơ thể (vắc xin) nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh. Vắc xin có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh.
Để phòng tránh đến mức tối đa những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra trong mỗi lần tiêm chủng, các bà mẹ cần thực hiện các hướng dẫn trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng theo khuyến cáo sau:
Trước khi tiêm chủng
- Khi đi tiêm chủng cần mang theo sổ y bạ/phiếu tiêm chủng của trẻ.
- Cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như trẻ đang có các bệnh cấp tính hoặc mãn tính kèm theo, các dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm, sốc phản vệ…
- Đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Trong khi tiêm chủng
Giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Sau khi tiêm chủng
- Trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
- Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: Toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm…
- Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5oC), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ 2 – 4 giờ/lần và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39oC), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban, hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
- Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
Ý kiến bạn đọc