(VnMedia) - Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú Y - Bộ NN&PT Nông thôn vừa tổ chức cuộc họp nhóm kỹ thuật rà soát tình hình dịch bệnh và các hoạt động triển khai phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người. Cuộc họp nhằm đánh giá nguy cơ của dịch bệnh cúm gia cầm đối với Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội đầu năm 2016.
Ảnh minh họa |
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2015 và đầu năm 2016, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các chủng vi rút cúm gia cầm được ghi nhận gia tăng cả về số lượng ổ dịch và số quốc gia ghi nhận.
Theo FAO, đã xuất hiện một số chủng vi rút mới như cúm A(H5N6), cúm A(H5N2), cúm A(H5N8) bên cạnh các chủng vi rút cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) vẫn đang lưu hành. Chủng vi rút cúm A(H5N1) trên gia cầm đã ghi nhận thêm tại một số quốc gia như Israel, Bờ Tây dải Gaza và một số nước khu vực Tây Phi.
Trên người, cũng đã ghi nhận số lượng người mắc cúm A (H5N1) cao nhất từ trước tới nay với 143 ca mắc trong đó có 42 ca tử vong tại 3 nước là Ai Cập (136 mắc/39 tử vong), Trung Quốc (5/1), và In-đô-nê-xia (2/2). Về cúm A(H7N9) tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 225 trường hợp mắc mới trong đó có 94 ca tử vong. Đồng thời Trung Quốc cũng ghi nhận 9 trường hợp mắc cúm A(H5N6), trong đó có 3 trường hợp tử vong trong năm 2015.
Ở nước ta, tình hình dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi 2 chủng vi rút là chủng cúm A(H5N1) và chủng cúm A(H5N6). Các ổ dịch cúm xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình, xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh chỉ xuất hiện từ 1 đến 2 hộ có dịch.
Tuy nhiên, các ổ dịch đã được xử lý triệt để không lây lan rộng tại cộng đồng. Tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ, chủ yếu lưu hành chủng vi rút cúm A(H5N6), còn chủng vi rút cúm A(H5N1) chủ yếu lưu hành chủ yếu ở khu vực phía Nam. Dịch bệnh cúm gia cầm trên người, theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phối trên cả nước, trong năm 2015 và tháng đầu năm 2016, cả nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9), và cúm A(H5N8).
Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người trong dịp Tết
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội đầu năm 2016 có sự gia tăng về giao lưu, đi lại của người dân giữa các quốc gia, khu vực và nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm gia tăng nên nguy cơ xâm nhập các chủng vi rút cúm gia cầm vào nước ta và lây truyền từ gia cầm sang người là hoàn toàn có thể nếu không triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực và chủ động.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh bệnh truyền nhiễm nói chung và các chủng cúm gia cầm lây truyền sang người nói riêng trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội đầu năm 2016, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tại các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng, tiếp tục thực hiện việc giám sát trọng điểm cúm và Hội chứng viêm phổi cấp tính (SARI) nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch cũng như chia sẻ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế; Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; Phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch. Sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, tết để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Ý kiến bạn đọc