(VnMedia) - Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD: gastro- esophageal reflux disease) là triệu chứng và biến chứng gây nên do sự trào ngược thường xuyên kéo dài những chất chứa đựng trong dạ dày lên thực quản.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh này là nôn nhiều lần, tuy nhiên nó không đủ độ nhạy cũng như độ đặc hiệu để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản.
Trên thế giới tỷ lệ mắc trào ngược dạ dày thực quản khác nhau tuỳ vùng miền như ở Mỹ là 15,1 - 20%, ở Nhật Bản là 10 - 15%, tại Trung Quốc tỷ lệ này thấp hơn là từ 0,1- 5%. Trên trẻ em theo thống kê thì số lượng mắc dao động từ 2- 7%.
Trào ngược dạ dày hay gặp nhất ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 4 tháng tuổi, tuy nhiên 60% các trẻ giảm triệu chứng khi trên 6 tháng lúc chuyển chế độ ăn sang rắn và trẻ chuyển sang đứng, có tới 90% trẻ hết hẳn triệu chứng khi chúng được 8- 10 tháng tuổi.
Triệu chứng lâm sàng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường khó phát hiện hơn ở người lớn, bao gồm nôn tái phát, ho kéo dài, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, ợ cũng thường gặp. Trẻ cũng thường có 1 hay nhiều triệu chứng. Trẻ có thể khóc thét khi đang nằm ngủ, kích thích quấy khóc,đau khóc thét, ngủ ít (ưỡn cổ và khó cho ăn) trong sau cho ăn, khó nuốt, thường xuyên viêm tai hoặc viêm mũi xoang, từ chối ăn, thường phải ép ăn, thở mùi axit, ỉa phân lỏng hoặc táo bón, nang phổi bẩm sinh.
Đối với trẻ sơ sinh đây cũng là một trong số những nguyên nhân có thể gây đột tử ở trẻ đẻ non do có luồng trào ngược tới vùng hạ họng gây co thắt thanh quản và ngừng thở do tắc. Biến chứng phổ biến của GERD là nôn, từ chối ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm thực quản và hẹp thực quản.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân trẻ em dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày
Dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, giai đoạn này dày của trẻ nằm ngang và cao hơn so với dạ dày của người lớn. Bên cạnh đó, các cơ thắt ở hai đầu dạ dày vốn chỉ mở ra khi có thức ăn đi qua và đóng kín lại khi dạ dày co bóp nhào trộn thức ăn lại hoạt động chưa ổn định. Nên đôi lúc lẽ ra phải đóng kín thì nó lại hở ra khiến thức ăn trào ra và đi ngược lên trên.
Thức ăn của trẻ lỏng dễ dàng lọt ra ngoài khi chỉ xuất hiện một khe hở nhỏ.
Cho trẻ bú sai tư thế. Hầu hết các bé đều nằm khi bú đặc biệt là khi bú đêm hay bú sữa bình. Ở tư thế này dạ dày như một cốc sữa bị đặt nằm ngang khiến cho sữa dễ trào ra ngoài.
Bên cạnh đó, trào ngược còn có thể do những bệnh lý khác ảnh hưởng đến chức co bóp hay tiêu hóa của dạ dày ruột như viêm dạ dày, bại não, nhiễm trùng toàn thân...
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em
Điều trị bệnh có 2 phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
Các biện pháp nội khoa bao gồm thay đổi lối sống, cho trẻ ăn chế độ đặc hơn, tăng nhiều bữa, sau khi cho trẻ ăn nên ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi, đầu cao.
Dùng sữa chống trào ngược, kết hợp sử dụng thuốc như prokinetic, H2RA, ức chế bơm proton. Chỉ định điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật Nissen khi trẻ không đáp ứng với các biện pháp nội khoa, trẻ vẫn viêm thực quản, biến chứng hô hấp, ngất…
Ý kiến bạn đọc