Chiều 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Chỉ có khoảng 7-8% thực phẩm bẩn nhưng người dân không thể phân biệt được
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2015, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, công tác an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực. Qua thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 37,2% năm 2014 lên 51,1%.
Riêng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, với số tiền phạt hành chính trên 17 tỷ đồng. Tỷ lệ cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 1,3% năm 2014, lên 5,2% năm 2015.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi được đẩy mạnh. Công tác giám sát và phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì, triển khai bài bản, đã kịp thời đưa ra cảnh báo và xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đã thí điểm kết nối thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, giúp minh bạch hóa quy trình thẩm định hồ sơ, giảm thời gian, nhân lực... cho doanh nghiệp.
Tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, giảm nhiều về số vụ, số người mắc, số tử vong so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt không để xảy ra các vụ ngộ độc tại các hội nghị, sự kiện lớn của đất nước và các đợt nghỉ lễ dài ngày.
Tính đến ngày 15/12/2015, toàn quốc ghi nhận trên 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5000 người mắc, giảm số vụ, số mắc, số tử vong so với năm 2014.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra, đó là: sự phối hợp của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, thiếu tính thống nhất.
Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý chưa được cải thiện. Việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được ngăn chặn. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra.
Tỷ lệ cơ sở cơ sở thực phẩm xếp loại C sau tái kiểm tra chiếm tỷ lệ cao, tới gần 80%, chưa xử lý dứt điểm đối với những cơ sở này...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm ATTP thì cần có giải pháp tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm bẩn.
Theo Phó thủ tướng, công tác đảm bảo ATTP đã có nhiều tiến bộ nhưng dư luận nhân dân chưa thực sự yên lòng khi tỷ lệ thực phẩm bị nhiễm hóa chất có giảm nhưng thực phẩm bị nhiễm vi sinh lại tăng.
“Qua kiểm tra cho thấy hiện nay chỉ có khoảng 7-8% thực phẩm bẩn và hơn 90% thực phẩm an toàn nhưng người dân không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn”, Phó thủ tướng nêu thực tế.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành
Trong năm 2016, Phó thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nỗ lực thực hiện, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư, tập huấn, nhằm hướng đến mục đích làm cho người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần triển khai kiểm tra để loại bỏ thực phẩm không an toàn ở các chợ, đi đôi với việc vận động người dân không nuôi, trồng, sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình giám sát ATTP trong phạm vi toàn quốc, tập trung các vấn đề như: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng...
Trong dịp Tết Bính Thân và mùa lễ hội Xuân năm 2016, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt, các sản phẩm từ thịt, rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, củ, quả... Trong đó, chú trọng xử lý cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm ATTP.
Từ 20/12/2015 đến hết 25/3/2016 sẽ triển khai thực hiện việc kiểm tra, xử lý bảo đảm ATTP với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2015.
Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập từ trung ương đến cấp xã, phường, bảo đảm các cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng của người dân.
Ý kiến bạn đọc