(VnMedia) - Tiêm phòng là một biện pháp thực tế nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong 1 số trường hợp, có thể xảy ra phản ứng ở trẻ. Những phản ứng này, thầy thuốc không mong muốn có, gia đình lại càng không mong muốn có...
Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng? Đó là những băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, khi tiêm chủng vắc xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể con người, nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hoặc các nhà sản xuất vắc xin theo từng loại vắc xin về các loại phản ứng hoặc là tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.
Sau tiêm chủng có thể gặp phải những phản ứng thông thường là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Ảnh minh họa |
Một số phản ứng có thể gặp sau khi trẻ tiêm chủng
- Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C): Cho trẻ uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao co giật có thể dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ C.
- Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ. Thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Một số tai biến nặng sau tiêm chủng
- Sốc phản vệ: Thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như: kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Cần dừng ngay việc tiêm vắc xin và tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.
- Phản ứng quá mẫn cấp tính: Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm chủng với 1 hay kết hợp nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt, hoặc phù nề toàn thân. Cần dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trường hợp phản ứng nặng cần cho thở ô xy và xử trí như sốc phản vệ.
Những chống chỉ định của tiêm phòng
Mặc dù việc tiêm phòng đôi khi có thể gây ra những "phản ứng không mong muốn" như đã nói trên, nhưng vẫn cần được khuyến khích, vì ích lợi to lớn của nó: phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Tuy nhiên, cũng có một trường hợp không nên tiêm phòng: đó là những trẻ đang ở trong tình trạng mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Những trường hợp này được coi là "chống chỉ định" của việc tiêm phòng.
Những trường hợp "chống chỉ định" đó gồm có:
Chống chỉ định tạm thời
- Trẻ đang sốt.
- Trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi ...).
- Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức.
- Trẻ đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
Chống chỉ định lâu dài
Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính...).
Một số chống chỉ định đặc biệt
Đối với tiêm phòng lao: nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
Đối với tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như "đề xa": dexamethasone, v.v...).
Đối với tiêm phòng thương hàn: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản...).
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc