Giúp trẻ biết phân biệt màu sắc

09:44, 18/11/2015
|

(VnMedia) - Trẻ nhỏ thường rất thích tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua quan sát. Trong vài tháng đầu đời trẻ đã hay chú ý tới những màu tương phản như đỏ, đen.

Khoảng 18 tháng tuổi trẻ biết phân biệt các màu khác nhau, nhưng chưa gọi tên được màu sắc. Thường từ 3 tuổi, bắt đầu tuổi mẫu giáo, trẻ mới gọi tên được màu đỏ, màu xanh. Tới 3 tuổi rưỡi - 4 tuổi trẻ mới nhận biết và phân biệt được nhiều màu hơn. Những trẻ nhận biết màu sắc sớm khi lớn lên thường có óc quan sát tinh tế và đời sống tình cảm phong phú.

Ths. Bs Quách Thúy Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nếu cha mẹ dạy con màu sắc quá sớm so với khả năng nhận biết của con thì con chưa thể gọi tên đúng màu sắc được, khi đó nhiều cha mẹ lo lắng cho là con chậm phát triển trí khôn. Nhưng cũng không nên cứ chờ cho trẻ đủ khôn lớn mới dạy màu sắc vì sẽ không khuyến khích trẻ quan sát, làm giảm khả năng nhạy bén và tinh tế của giác quan.

Để hướng dẫn trẻ nhận biết và nhớ được màu sắc, cha mẹ nên sử dụng những đồ chơi đồ dùng xung quanh trẻ hàng ngày để dạy trẻ. Chẳng hạn mẹ bảo trẻ: “Con đưa cho mẹ con gấu màu nâu kia nào” hoặc “Ôi cái áo đỏ của con bị bẩn rồi kìa”, hoặc là: “Con xem mẹ mua cho con cái ô tô màu xanh đẹp chưa”… Trong cuộc sống hàng ngày trẻ được tiếp xúc với nhiều đồ vật có nhiều màu sắc khác nhau – đó chính là những cơ hội tốt để trẻ nhận biết không chỉ màu sắc mà còn cả thuộc tính của đồ vật. Cha mẹ nên tận dụng mọi lúc khi gần trẻ để dạy trẻ màu sắc một cách thường xuyên, gọi tên và so sánh các vật có màu khác nhau thì trẻ dễ nhận biết và nhớ được lâu hơn.

Thường lúc đầu cha mẹ chỉ nên dạy trẻ những màu cơ bản như đỏ, xanh, vàng, đen sau đó mới dần dần dạy phân biệt tỉ mỉ như: xanh lá cây, xanh nước biển, xanh da trời, nâu, màu cam, màu trắng, hồng… gắn liền với những gì trẻ nhìn thấy hàng ngày vì những tông màu này khó phân biệt hơn đối với trẻ.

Có những trò chơi khác nhau để giúp trẻ phân biệt màu sắc:

– Cho trẻ chơi nhặt đồ vật có cùng màu vào mỗi hộp từ đống đồ chơi có màu khác nhau.

– Trò chơi đố vui: đưa một đồ chơi có màu xanh ra chẳng hạn, bảo trẻ tìm một đồ chơi khác có màu xanh ở trong phòng và bảo trẻ gọi tên màu đó ra.

– Cho trẻ chơi thi đua xem ai tìm được đồ chơi cùng màu nhiều nhất trong một đống đồ chơi.

– Cho trẻ chơi tô màu theo mẫu hình những bông hoa, con cá, cái cây…

– Cho trẻ tập vẽ và tô màu hình vẽ và gọi tên màu vẽ.

– Cho trẻ chơi đất nặn, nặn những thứ khác nhau với màu khác nhau.

– Cho chơi những ruy băng khác màu.

Tùy trong cuộc sống thực tế của gia đình có đồ chơi gì thì cho trẻ chơi thứ ấy, nhưng đối với trẻ nên mua những đồ chơi có màu sắc khác nhau để làm tăng sự hấp dẫn. Những vật dụng hàng ngày của trẻ như quần áo, tất, giày dép, túi, ba lô đựng đồ… cũng nên sử dụng mẫu mã ngộ nghĩnh và màu sắc tươi tắn sẽ khuyến khích sự quan sát của trẻ  và làm cho trẻ dễ nhớ dễ tìm đồ của mình.


Ý kiến bạn đọc